Với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, việc được hoạt động trở lại mở ra cơ hội để chi trả hàng loạt chi phí thuê nhà, nhân công... Tuy nhiên, nỗi lo thường trực hiện nay là việc đảm bảo đủ số lượng và sức khỏe cho lực lượng lao động.
Đối với việc tiêm vắc - xin cho người lao động ngoại tỉnh, đa số các quận đều đã hoàn thành phủ mũi tiêm đầu tiên trước ngày 15/9. Tuy nhiên, theo đại diện UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), hiện số lượng lao động tự do về địa bàn phường hoạt động sau ngày 21/9 là rất đông. Phường đang thống kê số lượng người nhưng vẫn chưa có kế hoạch tiêm chủng cho lực lượng này.
Ông Nguyễn Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết, số lượng người đến địa bàn được cập nhật thường xuyên qua các kênh tổ dân phố, cảnh sát khu vực. “Khi có chương trình tiêm chúng tôi sẽ cập nhật ngay để tiêm cho người dân”, ông Thắng cho hay.
DN “khan” lao động
Bà Hoàng Dương (chủ doanh nghiệp sản xuất sữa hạt tại quận Long Biên) cho biết, hiện cơ sở chỉ hoạt động khoảng 50% công suất do thiếu nhân công. Hằng ngày, sữa được giao cho các đại lý, siêu thị lớn nhỏ ở Hà Nội, do đó cần đội ngũ shipper (người giao hàng) hoạt động. Trong khi hiện nay, các lao động ở tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đa phần chưa được tiêm vắc-xin nên vẫn chưa thể trở lại làm việc. “Hà Nội yêu cầu các shipper phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc - xin và xét nghiệm thường xuyên, do đó nếu đưa được lao động về đây làm việc cần có nơi đăng ký tiêm ưu tiên cho lực lượng này”, bà Dương đề xuất.
Chủ đầu tư một dự án tại quận Đống Đa cho biết, thời gian qua đơn vị thực hiện “3 tại chỗ” tại công trường với 30% số lượng công nhân. Tuy nhiên, nếu tiếp tục xây dựng theo hình thức này dự án sẽ phải lùi tiến độ bàn giao. Trước đó, dự án này đã đàm phán với khách hàng để lùi thời hạn bàn giao lần 1. “Hiện nay việc đưa các công nhân về Hà Nội rất khó vì không có xe khách liên tỉnh. Khó khăn trong việc lấy xác nhận địa phương tại nơi họ đang lưu trú”, vị này cho hay.
Lãnh đạo UBND xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho biết thêm, dự án Kim Chung - Di Trạch trên địa bàn có 900 công nhân xây dựng đang làm việc “3 tại chỗ”, toàn bộ đã được tiêm vắc - xin mũi 1. Theo vị này, đây mới chỉ là 1 nửa số lượng công nhân của dự án, những công nhân còn lại đang xin thủ tục để lên nhưng gặp không ít khó khăn.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, thành phố đang lên các phương án để đưa người lao động về quê và ngược lại một cách an toàn. Việc thống kê số lượng lao động đã được các quận, huyện hoàn thành.
Đối với vấn đề tiêm vắc - xin cho lao động ngoại tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các đối tượng tiêm chủng. Theo đó, những người lao động từ các địa phương khác đến Hà Nội làm việc mà chưa được tiêm, UBND phường, xã sẽ thống kê để tiêm đầy đủ. Hiện Hà Nội chờ Bộ Y tế phân bổ nguồn vắc - xin, khi có sẽ tiêm ngay cho các đối tượng đăng ký.
Theo Hiểu Minh (Tiền Phong)