Giá đất bị thổi từng ngày
Ngày 26.3, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác UBND TP tháng 3 và quý 1.2019. Thông tin bên lề hội nghị cho biết UBND TP Hà Nội đã hoàn thiện đề án xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020.
Điều đáng nói là trước thời điểm Hà Nội thống nhất lộ trình 4 huyện lên quận vào năm 2020, thông tin này đã được các môi giới truyền tai nhau và từ cuối năm 2018, giá đất tại 4 huyện trên tăng nhanh bất thường.
"Thời điểm năm 2015 khi hàng loạt công trình lớn khu vực Đông Anh được triển khai như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, nhà ga T2 sân bay Nội Bài…, cũng là lúc giá đất tăng mạnh. Đất trở nên "sốt" khiến khách hàng mua bán nhộn nhịp nhưng chỉ một thời gian thì lại trở lại bình thường. Đến thời điểm giữa năm 2018, giá đất tăng mạnh trở lại, thậm chí hiện có khu vực tăng gấp đôi so với đầu năm 2018" - một môi giới tại khu vực Đông Anh nói.
Tại huyện Đông Anh, theo khảo sát, một số vị trí đất nền, biệt thự, nhà liền kề ở khu Thanh Trì đang được chào bán từ 26-30 triệu đồng/m2, có nơi 35-40 triệu đồng/m2, thậm chí trên 55 triệu đồng/m2. Nhiều vị trí đất phân lô ở khu vực này cũng có giá từ 55-65 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với đầu năm ngoái.
Tại huyện Hoài Đức, đất mặt tiền ở thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá cao ngất ngưởng: 120-130 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá chào bán 80 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2017. Ngay cả đất ở các xã An Khánh, An Thượng cũng được chào giá 30-40 triệu đồng/m2, tăng 30%-40%.
Tương tự, ở nhiều khu vực các huyện còn lại sau tin đồn được lên quận, giá đất cũng được thổi phồng nhiều lần.
Nguy cơ “bong bóng”
Đề xuất nâng 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh lên quận còn gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều những dự án BĐS lớn. Tại Hoài Đức, đề xuất còn được xem là cứu cánh cho nhiều dự án BĐS đang bị treo từ nhiều năm nay không thể triển khai.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, chắc chắn thông tin chuyển từ huyện lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư, tạo ra tâm lý thích đầu để hưởng lợi.Tuy nhiên, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. “Tức là khi tạo ra cho một huyện nông thôn một danh xưng mới sang hơn, lớn hơn thì cũng phải trang bị cho nó các điều kiện cơ sở hạ tầng, phải đầu tư vật chất xứng tầm mới thúc đẩy được phát triển, mới giúp tạo ra các giá trị gia tăng”, ông Đính cảnh báo.
Ông Đính nêu ví dụ, như ở Đông Anh, hay Vân Đồn (Phú Quốc) chính vì chạy theo những tin đồn kiểu như lên huyện, thành đặc khu mà giá trị BĐS tại các địa phương này đã bị thổi lên, bị đẩy giá làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường BĐS, không mang lợi lại ích gì cho cả địa phương, xã hội và thị trường.
Do đó, ông Đính lưu ý, dù là huyện hay lên quận đều phải có cá tiêu chuẩn, tiêu chí rất rõ ràng, đi cùng với các yêu cầu về đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ thì mới phát triển được. Việc tạo ra một danh xưng mới không giúp "Quạ biến thành Công" nếu đó chỉ là một cái danh xưng không thực chất.
Từ thực tế trên, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cảnh báo các nhà đầu tư không nên chạy theo tin đồn, chạy theo những giá trị ảo, đầu tư phải dựa vào tiềm năng phát triển thực tế để tránh phải ôm lấy những rủi ro.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh - giá đất trên địa bàn tăng cao chủ yếu do các tổ chức môi giới bất động sản, "cò" đất thổi giá.
Theo Hà Anh (Dân Việt)