Hạ nhiệt thị trường vàng: Bốn ngân hàng quốc doanh trực tiếp bán cho dân

30/05/2024 07:51:18

Thay vì đấu thầu như trước, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng miếng với giá chỉ định cho Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank để từ đó họ sẽ bán lại cho người dân có nhu cầu. Theo các chuyên gia, muốn bình ổn giá, giá bán ra phải thấp hơn giá vàng trên thị trường. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là giải pháp trước mắt, còn lâu dài, căn cốt là vẫn phải sửa Nghị định 24 liên quan đến độc quyền vàng miếng SJC.

Dân đến ngân hàng quốc doanh mua vàng

Trả lời báo chí ngày 29/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng vừa cho biết, từ ngày 3/6 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 nhà băng có vốn nhà nước chi phối. Giá bán sẽ do Ngân hàng Nhà nước ấn định, dựa theo giá vàng thế giới. 4 ngân hàng này (gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank) sẽ trực tiếp bán vàng cho người dân. Theo Ngân hàng Nhà nước, cả 4 nhà băng đều sở hữu mạng lưới rộng khắp, đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để bán vàng trực tiếp cho người dân.

Hạ nhiệt thị trường vàng: Bốn ngân hàng quốc doanh trực tiếp bán cho dân
Ngân hàng Nhà nước sẽ cung cấp đủ vàng đáp ứng nhu cầu của người dân Ảnh: Như Ý

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.

Theo Phó Thống đốc, biện pháp này đưa ra với mục tiêu sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

“Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường, đạt được mục tiêu như đã nêu trên. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững”, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nói và khuyên người dân thận trọng khi giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro cho chính mình, trước những diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới.

Giá bán thấp hơn giá thị trường

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một ngân hàng trong nhóm Big 4 chia sẻ, ngân hàng thương mại tham gia bán vàng là thực hiện nhiệm vụ được giao và ngân hàng sẵn sàng huy động các chi nhánh tham gia. Theo đó, giá dự kiến bán ra thị trường theo mức giá nằm trong biên độ được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngân hàng sẽ bán vàng miếng cho các cá nhân với số lượng không giới hạn nhưng không bán vàng cho các tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Ngân hàng sẽ phân phối vàng qua mạng lưới của ngân hàng.

"Hiện tại, các doanh nghiệp muốn được tự do mua bán và thực hiện xuất nhập khẩu vàng, thế nhưng nếu chúng ta không kiểm soát tốt, rất dễ ảnh hưởng đến thị trường. Và điều lo ngại nhất là tình trạng găm giữ, vàng hóa sẽ quay trở lại nền kinh tế”, vị này nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì cho hay, Thủ tướng yêu cầu giảm giá vàng xuống, giảm chênh lệch giá trong nước và quốc tế nhưng đấu thầu vàng không đạt được mục tiêu đó, vì Ngân hàng Nhà nước để giá tham chiếu ngang bằng giá thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp sau khi mua với giá trúng thầu, phải bán với giá cao hơn để có lãi. Đó là vấn đề không hợp lý và bất cập.

Với cách thức bán trực tiếp vàng cho người dân thông qua nhóm ngân hàng Big 4 để kéo giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới, ông Hùng cho rằng, Nhà chức trách cần tính đúng, đủ chi phí sản xuất vào giá thành, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để đưa ra mức giá bán.

Bên cạnh đó, việc bán vàng trực tiếp này chỉ là giải pháp tình thế, dài hơi hơn khi sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 24, ông Hùng góp ý, Ngân hàng Nhà nước nhập vàng về cho ngân hàng và bán với giá phải thấp hơn giá thị trường. “Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước nhập vàng về, cùng với các chi phí mức giá là 75 triệu đồng/lượng, thì chỉ cần bán 76-78 triệu đồng/lượng. Còn các ngân hàng bán ra không quá 78,5 triệu đồng/lượng. Như thế mới thu hẹp khoảng cách, giảm chênh lệch giá”, ông Hùng nói.

Cuối giờ chiều 29/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 88,3 - 90,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 200.000 đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng nhẫn 74,9 - 76,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)

Nổi bật