Đáng chú ý, ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid - 19 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đến 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%. Dự kiến tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống Napas) đã giảm cho khách hàng từ năm 2020 đến hết năm 2021 khoảng 2.557 tỷ đồng và giảm trên 250 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng trong năm 2021.
Đến ngày 10/12/2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân khoảng 1.570 tỷ đồng cho 2.064 đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho hơn 428.402 lượt người lao động trên toàn quốc.
NHNN cũng thực hiện tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay; đồng thời tháo gỡ khó khăn trong việc thu mua lúa gạo tại khu vực đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL).
Song song đó, ngành ngân hàng cũng thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; các chỉ số TTKDTM tăng trưởng tương đối tốt.
Kết quả TTKDTM trong 10 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...
Theo Gia Hưng (VietNamNet)