Trên thực tế, lãi suất huy động cuối kỳ luôn cao hơn so với lãi suất dành cho khách hàng lựa chọn lĩnh lãi đầu kỳ. Ngoài ra, các ngân hàng còn niêm yết lãi suất lĩnh lãi theo quý (với kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên). Lãi suất theo quý thường là mức lãi suất cao hơn so với lãi suất đầu kỳ, nhưng thấp hơn so với lãi suất huy động cuối kỳ.
Thậm chí, một số ngân hàng như ACB, ABBank còn phân loại 4 mức lãi suất dành cho mỗi loại hình tiền gửi: lãi suất lĩnh lãi đầu kỳ, lãi suất lĩnh lãi hàng tháng, lãi suất lĩnh lãi hàng quý và lãi suất lĩnh lãi cuối kỳ.
Chẳng hạn, lãi suất huy động trực tuyến cao nhất cho kỳ hạn 6 tháng đang được ABBank niêm yết là 5%/năm. Cũng là tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6 tháng, nhưng mức lãi suất sẽ thấp dần theo từng thời điểm lĩnh lãi. Cụ thể, lãi suất lĩnh lãi hàng quý là 4,97%/năm, lĩnh lãi hàng tháng 4,95%/năm và lĩnh lãi trước 4,88%/năm.
Theo khảo sát, với biểu lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay, lãi suất huy động cuối kỳ thường cao hơn từ 0,02-0,2%/năm so với lãi suất huy động lĩnh lãi đầu kỳ.
Thậm chí, mức chênh lệch lãi suất tại những ngân hàng niêm yết lãi suất cao, như BVBank, lên tới 0,65% với các kỳ hạn dài.
Cụ thể, BVBank đang niêm yết lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 18 và 24 tháng lên tới 6%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ), nhưng lãi suất dành cho khách hàng lĩnh lãi đầu kỳ lần lượt là 5,5%/năm và 5,35%/năm, mức chênh lệch là 0,5% và 0,65%/năm.
Thậm chí, chênh lệch lãi suất đầu kỳ và cuối kỳ lớn nhất tại LPBank lên tới 1,35%/năm khi nhà băng này đang niêm yết lãi suất huy động cao nhất 5,9%/năm cho tiền gửi trực tuyến lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 18-60 tháng. Tuy nhiên, lãi suất lĩnh lãi đầu kỳ cho các kỳ hạn này chỉ từ 4,55%-5,42%/năm, mức chênh lệch cao nhất lên đến 1,35%/năm với kỳ hạn 60 tháng.
Tại ngân hàng có lãi suất huy động niêm yết cao nhất hiện nay như NCB, chênh lệch giữa lãi suất đầu kỳ và cuối kỳ cao nhất lên tới 1,41% khi gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 60 tháng.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)