Gửi tiền tiết kiệm thế nào để có lãi suất cao nhất?

02/09/2023 10:11:12

Để thu hút thêm khách VIP đến gửi tiền, một số ngân hàng áp dụng biên độ cộng lãi suất tuỳ theo mức tiền gửi của khách hàng.

Các ngân hàng thường chỉ có 2 biểu lãi suất huy động tại quầy và trực tuyến. Để thu hút thêm khách VIP đến gửi tiền, một số ngân hàng áp dụng biên độ cộng lãi suất tuỳ theo mức tiền gửi. Chính sách này thường được ngân hàng áp dụng gửi tại quầy và trực tuyến. 

VPBank, Techcombank, ACB, VIB, LPBank, DongA Bank có chính sách lãi suất riêng cho khách VIP.

Tại VPBank, lãi suất huy động được phân ra thành 4 mức khác nhau dưới 1 tỷ đồng, từ 1-3 tỷ đồng, từ 3-10 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng trở lên.

VPBank áp dụng lãi suất cho tiền gửi dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 1 – 2 tháng 4,4%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng 4,45%/năm, kỳ hạn 6 – 11 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 12 – 13 tháng 5,8%/năm, kỳ hạn 15 – 36 tháng chỉ còn 5,1%/năm. 

Cứ mỗi sổ tiết kiệm tương ứng với các mức tiền gửi tăng dần, VPBank sẽ cộng thêm 0,1%/năm cho người gửi tiền. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 – 11 tháng tại VPBank theo công bố mức cao nhất là 5,8%/năm nếu gửi từ 10 tỷ đồng trở lên. 

Tuy nhiên, khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm với số dư tối thiểu 100 triệu đồng và kỳ hạn tối thiểu 1 tháng cũng sẽ được cộng thêm 0,1%/năm. Do đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,9%/năm.

 

Biểu lãi suất huy động online ngày 31/8 của VPBank.

Tại Techcombank, ngân hàng áp dụng 3 biểu lãi suất khác nhau dành cho 3 mức tiền gửi dưới 1 tỷ đồng; từ 1-3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng trở lên. Biên độ cộng lãi suất lần lượt là 0,1%/năm theo thứ tự tăng dần.

Ngoài ra, từ 1/6 – 31/12, Techcombank cộng thêm lãi suất 0,3%/năm cho khoản tiền gửi đầu tiên, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất thực tế người gửi tiền được nhận sau khi cộng thêm lên đến 6,4%/năm.

Gửi tiền tiết kiệm thế nào để có lãi suất cao nhất? - 1

Tại Ngân hàng VIB, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6-36 tháng cũng có sự khác biệt theo lượng tiền gửi dưới 300 triệu đồng, từ 300 triệu đồng trở lên.

Với tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất kỳ hạn 6 – 11 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 15 – 18 tháng là 6,2%/năm và kỳ hạn 24 – 36 tháng là 6,4%/năm. 

Người gửi tiền được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm nếu số tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên. 

Không chỉ vậy, VIB còn cộng thêm lãi suất 0,4%/năm cho khách hàng Diamond và 0,2%/năm cho khách hàng iBusiness và khách hàng Sapphire với kỳ hạn 6 – 11 tháng.

Biểu lãi suất huy động trực tuyến của VIB ngày 31/8.

Với tiền gửi online kỳ hạn 6 – 12 tháng tại ACB, ngân hàng chỉ trả lãi suất huy động 5,6%/năm cho mức tiền gửi dưới 100 triệu đồng.

Lãi suất sẽ là 5,7%/năm cho khách hàng gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; 5,75%/năm cho khách hàng gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng và 5,8%/năm với tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.

Biểu lãi suất huy động trực tuyến tại ACB ngày 31/8.

Còn tại LPBank, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ là 6,4%/năm. Nhưng với tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên, lãi suất cộng thêm 0,5%/năm lên mức 6,9%/năm (cao hơn 0,3%/năm so với lãi suất huy động trực tuyến).

Trong khi đó, biên độ lãi suất kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng tại DongA Bank được cộng thêm 0,7%/năm cho khách hàng có tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; cộng thêm 0,75%/năm cho khách hàng gửi từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

Ngân hàng cộng thêm 0,8%/năm với tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; 0,85% với tiền gửi từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; và cộng thêm 0,9%/năm khi số tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên.

Chính sách cộng thêm lãi suất tại DongA Bank.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)

Nổi bật