Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 23/1, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu (PV Oil-OIL-0.2%) cho biết, sau hơn 20 công văn "đòi tiền" liên tiếp, cuối năm 2018, Tổng cục Hải quan đã trả cho Tổng công ty này số tiền 67 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Cao Hoài Dương cho biết: "Mỗi tháng gửi một công văn, sau 20 tháng chúng tôi nhận lại tiền. Hải quan thông qua Kho bạc Nhà nước hoàn trả 67 tỷ đồng, bao gồm số tiền chúng tôi bị phạt do nộp chậm".
Theo ông Dương, vụ việc trên bắt đầu từ việc năm 2015, khi Việt Nam áp dụng ưu đãi thuế quan ASEAN, cho nên xăng dầu nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi. Trước đây, doanh nghiệp nộp tiền thuế thông thường, sau khi hải quan rà soát hồ sơ nếu đủ điều kiện họ sẽ hoàn tiền cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, PV Oil phải tạm nộp thuế và không được hoàn lại tiền. Tại thời điểm đó, Cơ quan Nhà nước thì cho rằng do doanh nghiệp này nộp các giấy Chứng nhận xuất xứ (C/O) chưa chuẩn hoặc chậm.
Theo ông Dương giải thích, tổng cộng các lô hàng là 60 tỷ đồng tiền thuế. PV Oil nộp thuế và hồ sơ lên hải quan. Sau rà soát, cơ quan chức năng kết luận hồ sơ hợp lệ, và hoàn trả 60 tỷ đồng.
16 tháng sau trong đợt kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp nhận thông báo hồ sơ thiếu một chữ kí, không hợp lệ và truy thu 60 tỷ đồng đồng, đồng thời phạt thêm 7 tỷ đồng tiền chậm nộp trong 18 tháng được hoàn trước đó.
"Đây là điều chúng tôi không đồng ý, bởi lẽ chúng tôi người thật việc thật và hàng thật. Các lô hàng trên được PV Oil mua của hãng uy tín là Shell ở Singapore. Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước nên không lý do gì mua hàng trôi nổi để kiếm lợi phi pháp. Việc thiếu một chữ ký là có thật nhưng lô hàng cũng đã được phép thông quan. Có thể sai sót này bắt nguồn từ việc thời điểm đó áp dụng quy định mới nên cả doanh nghiệp lẫn hải quan đều bỡ ngỡ. Quy trình thiếu sót nhưng bản chất của lô hàng là không thay đổi” - ông nói.
Mội vấn đề nữa được ông Dương nhấn mạnh là về nguyên tắc sau 12 tháng sẽ không hồi tố. Khi có vấn đề, cơ quan chức năng cần thông báo trong thời gian trước 12 tháng để giải quyết. Trong khi đó, sau 16 tháng, phía hải quan mới đưa ra quyết định và doanh nghiệp có quay lại Singapore thì hồ sơ cũng sẽ không được lưu.
"Để nhận lại được tiền chúng tôi rất kiên trì nhưng cũng phải thừa nhận hải quan cũng rất thiện chí bởi không dễ để chấp nhận một chuyện sai của mình có giá trị lên đến 67 tỷ đồng. Rất nhiều lần cơ quan này đã liên hệ với hải quan Singapore để xác nhận lô hàng này hoàn toàn chuẩn và hợp lệ để trả lại tiền cho chúng tôi", ông Dương chia sẻ.
Nói về câu chuyện hoạt động kinh doanh trong năm 2018, người đứng đầu PV Oil cũng ví von rằng doanh nghiệp đang có tỷ số 2-1 (2 bàn thắng và 1 bàn thua). Cụ thể 2 bàn thắng là triển khai thành công hệ thống bán lẻ tự động theo công nghệ 4.0 và cổ phần hóa. Bàn thua là do yếu tố khách quan với giá dầu lao dốc liên tiếp trong quý IV/2018 khiến doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận.
Cụ thể, bàn thắng đầu tiên là lợi nhuận năm 2018 của PV Oil đạt 562 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch điều chỉnh (500 tỷ đồng) và vượt 65% so với kế hoạch đầu năm (340 tỷ đồng).
PV Oil cho biết tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 được thúc đẩy nhờ sản lượng bán ra tại các trạm xăng sở hữu (COCO) - tăng 4% và nhờ triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới mà PV Oil tiên phong ứng dụng, cung cấp cho khách hàng như PV Oil Easy, PV Oil Mobile.
Trong khi đó bàn thua trước mắt là lợi nhuận trước thuế quý IV/2018 chỉ đạt 12 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 215 tỷ đồng đạt được trong quý IV/2017, chủ yếu do giá dầu biến động mạnh trong tháng 11 và 12.
Về kế hoạch năm 2019, PV Oil cũng điều chỉnh giảm xuống so với năm 2019, với mục tiêu doanh thu 49.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 440 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2019 của PV Oil bằng 78% so với thực hiện 2018, bằng 88% so với kế hoạch điều chỉnh được Đại hội đồng cổ đông lần đầu thông qua ngày 1/8/2018 và bằng 129% so với kế hoạch đặt ra vào đầu năm 2018.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)