Theo trang Kr Asia ngày 22-1, các cuộc đàm phán giữa Grab và Uber được xúc tiến sau khi SoftBank của Nhật Bản đổ hàng tỉ USD vào Uber hồi năm ngoái. Tập đoàn tài chính đến từ Nhật Bản cho rằng Uber nên tập trung vào việc củng cố thị trường tại Mỹ và châu Âu, nơi các cuộc chiến pháp lý cam go đang chờ đợi.
Uber đã chuyển các hoạt động của mình tại Trung Quốc sang cho đối thủ Didi Chuxing vào năm 2016, kết thúc cuộc chiến tốn kém với Didi và định vị lại các nguồn lực để giành thị phần tại các thị trường Đông Nam Á đang phát triển.
Là thị trường có lượng truy cập Internet lớn thứ tư trên thế giới, Đông Nam Á đang trở thành miếng bánh hấp dẫn với tầng lớp những người tiêu dùng trẻ tuổi, thu nhập trung bình gia tăng. Điều này vô hình trung đã tạo ra cuộc cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt giữa các đối thủ.
Uber, trong quá trình giành giật thị phần, đã vấp phải nhiều thách thức đến từ các đối thủ địa phương bao gồm Go-Jek chủ yếu ở thị trường Indonesia và Grab, hiện đang có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á.
Dưới con mắt của các nhà đầu tư, Grab đã vượt qua Uber, bước lên ngôi đầu Đông Nam Á.
Năm ngoái, Grab tuyên bố có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng. Hãng này cũng ghi nhận 1 tỉ lượt đi ở khu vực Đông Nam Á.
Uber không công bố thị phần của mình ở Đông Nam Á, nhưng trong một tuyên bố vào hồi tháng 6 năm ngoái, công ty này cho biết tổng số lượt sử dụng dịch vụ của khách hàng đã vượt qua mốc 5 tỉ.
Grab hiện cung cấp dịch vụ tại hơn 160 thành phố trên khắp các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Đối lập, Uber chỉ hoạt động trong khoảng 60 thành phố trong khu vực.
Sự tăng trưởng của Grab một phần đến từ những điều chỉnh nhanh nhạy đối với nhu cầu của khách hàng địa phương. Chẳng hạn, Grab đưa ra các lựa chọn thanh toán linh hoạt hơn, cả bằng thẻ và tiền mặt. Theo trang Kr Asia, đây là một yếu tố quan trọng bởi trên thực tế, người tiêu dùng tại khu vực vẫn khá ưa thích sử dụng tiền mặt.
Theo Bảo Duy (Tuổi Trẻ)