Theo Bloomberg, một phần doanh thu của Grab đến từ việc mua lại mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber vào tháng 4 năm nay. Cùng với đó, hãng gọi xe đến từ Singapore cũng bắt đầu tích hợp một số lĩnh vực khác ngoài mảng đi chung xe như thanh toán kỹ thuật số, đầu tư khởi nghiệp.
Hiện Grab đã vạch ra các kế hoạch gây quỹ cho mục tiêu này và xem đây là bằng chứng cho thấy hãng là một công ty khởi nghiệp giá trị nhất khu vực Đông Nam Á.
Tại một hội nghị công nghệ ở Singapore, bà Hooi Ling Tan - đồng sáng lập Grab, cho hay hãng sẽ tìm các khoản đầu tư mới để đạt được 3 tỷ USD vào cuối năm nay, theo kế hoạch. Bà nói số tiền này gồm cả 1 tỷ USD mà hãng sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản Toyota rót vào hồi tháng 6, giúp Grab chạm mốc 10 tỷ USD.
Đại diện Grab cho hay hãng đang mở rộng nhanh chóng khắp Đông Nam Á, nơi thị phần có hơn 600 triệu dân, trở thành nền tảng giao thông lớn nhất khu vực sau khi thâu tóm Uber.
Việc mở rộng về mặt địa lý lẫn kinh doanh của Grab nhờ có sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư như SoftBank Group của Nhật Bản, Didi Chuxing của Trung Quốc.
Mục tiêu doanh thu đạt 2 tỷ USD trong năm tới cũng khiến Grab tăng cường khả năng cạnh tranh với Go-Jek, nhất là khi ứng dụng gọi xe của Indonesia đã mở rộng hoạt động, xâm nhập vào các thị trường tiềm năng khác như Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Philipines, Bloomberg đánh giá.
Người đồng sáng lập Grab cho rằng hiện khu vực lớn nhất hãng này tăng cường hiện diện hoạt động chính là Indonesia, sân nhà của Go-Jek. Bà cho rằng, trong năm nay, doanh thu tại thị trường này của hãng tăng gấp 3 lần, đồng thời khẳng định Grab nắm 65% thị phần tại đây.
Sau thương vụ đình đám mua lại Uber, Grab nhận nhiều khiếu nại của người dùng về giá cả, thời gian đặt xe và dịch vụ khách hàng. Bà Tan cho rằng hãng sẽ tiếp tục học hỏi, rút kinh nghiệm trong quá trình đầu tư.
Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)