CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú USD mới được công nhận Nguyễn Đăng Quang đã có báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2017, với lãi ròng 3.100 tỷ đồng.
Đây là một kết quả kinh doanh ấn tượng, bất chấp mảng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp gần đây sụt giảm mạnh. Sự bứt phá của mảng khai khoáng và hoạt động tài chính đã đóng góp vào thành công của doanh nghiệp này.
Masan lãi hơn 900 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu Techcombank. Mảng khai khoáng của Masan tăng trưởng mạnh với doanh thu tăng hơn 33% lên hơn 5,4 ngàn tỷ đồng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng ghi nhận lợi nhuận khủng trong năm 2017, với hơn 4.200 tỷ đồng. ACV không còn phải ghi nhận những khoản lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá như trong quá khứ, do tỷ giá JPY/VNĐ trong năm qua ổn định.
Tính tới cuối năm 2017, tổng tài sản ACV đạt gần 49,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ so với đầu năm. Vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 14.300 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ ODA do Nhật Bản tài trợ.
Novaland của tỷ phú Bùi Thành Nhơn cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2017, riêng quý IV đóng góp rất lớn, nhờ bàn giao các dự án đúng cuối năm, doanh thu tới gần 6.000 tỷ đồng. Tính cả năm, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn nửa tỷ USD, tăng 58% và lợi nhuận cũng tăng 24% so với năm trước. Tổng tài sản Novaland tới cuối 2017 đạt hơn 49.000 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp không thể không nhắc tới là CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM). Trong năm 2017, VNM lãi ròng gần 10.300 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lên 6.355 đồng.
Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 5.400 tỷ đồng, tăng tới 55% so với năm liền trước. EPS đạt gần 1.730 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, tập đoàn này có doanh thu rất lớn, tới hơn 90.000 tỷ đồng. Riêng trong đó quý IV doanh thu cao kỷ lục, gần 33.200 tỷ đồng.
Doanh nghiệp hàng không VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 4.500 tỷ đồng trong năm 2017 từ doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận tăng vọt so với năm trước, VietJet có EPS đạt hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tỷ phú Trần Đình Long cũng chứng kiến doanh nghiệp của mình đạt lợi nhuận cao nhất lịch sử. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2017 vượt 33% so với năm trước, lên 8.000 tỷ đồng.
Năm 2017, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng lần đầu cán ngưỡng lợi nhuận nghìn tỷ, tăng gấp nhiều lần so với năm liền trước, và là mức cao nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, nhờ doanh thu môi giới tăng mạnh.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giới đầu tư còn ghi nhận những gương mặt có lợi nhuận nghìn tỷ khác như GAS (2007 đạt gần 9.700 tỷ đồng), Vietcombank, Petrolimex, BIDV, Sabeco, VietinBank, MBBank, Vietnam Airlines, MWG, CTD,...
Năm 2017, TTCK cũng chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) với lợi nhuận đạt hơn 1.600 tỷ đồng và HAGL Agrico (HNG) đạt gần 1.000 tỷ đồng, HAG.
Trên thực tế, gần như tất cả các doanh nghiệp đạt lợi nhuận nghìn tỷ đều là các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam.
Vinamilk là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sữa và chế biến sữa cả chục năm nay. Trong năm 2017, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của mình với động thái làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, với cú mua 65% CTCP Đường Khánh Hòa, đầu tư vào Dừa Á Châu và CTCP Bò Giống miền Trung.
VietJet là doanh nghiệp mới nhưng là hãng hàng không nắm thị phần lớn với hơn 17 triệu lượt khách trong năm 2017. Chỉ sau hơn 5 năm bay thương mại, VJC của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã chiếm khoảng 40% thị phần hàng không nội địa.
Masan chiếm 35% thị phần thức ăn chăn nuôi, giữ vị trí số 1-2 về thị phần mì ăn liền,...
Còn Hòa Phát vừa lập kỷ lục với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại. HPG dẫn đầu cả nước về cả 2 dòng thép xây dựng và thép ống, với lần lượt 24% và 26,3%.
Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước, và là ông trùm trong lĩnh vực bất động sản trung cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, với loạt thương hiệu như Park Hill, Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Nha Trang, Vinhomes Central Park, Vinhomes Riverside - The Harmony...
Có thể thấy, năm 2017 tiếp tục là một năm thành công với các doanh nghiệp lớn. Gần như toàn bộ các doanh nghiệp trụ cột trên sàn đều có kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận nghìn tỷ. Không ít doanh nghiệp đã bắt đầu đưa ra kế hoạch tham vọng cho năm mới.
Trong năm vừa qua, câu lạc bộ doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ có thêm những gương mặt mới như cổ phiếu HAG của bầu Đức, CII,... nhóm ngân hàng và bất động sản tiếp tục áp đảo. Trong khi đó, nhóm dầu khí tiếp tục duy trì được lợi nhuận cao nhờ quy mô lớn. Nhóm hàng không và bán lẻ bứt phá khá nhanh.
Hàng loạt tỷ phú mới cũng xuất hiện cùng với các doanh nghiệp có quy mô và lợi nhuận lớn. Đây là cú bứt phá ngoạn mục của doanh nghiệp Việt trong năm 2017 và là điều mà trước đây hiếm thấy.
Theo M.Hà (VietNamNet)