Trên mạng xã hội gần đây đã xuất hiện hình ảnh tài xế Việt Nam mặc áo màu xanh-đen của Gojek, ứng dụng gọi xe từng tiến vào Việt Nam năm 2018 dưới tên gọi Go-Viet.
Theo chia sẻ từ một fanpage của Gojek Việt Nam, đây là các đối tác tài xế tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, được hãng lựa chọn và đích thân đến tận nhà tặng những món quà đầu tiên.
Thông tin trước đó cho thấy sau gần 2 năm vào Việt Nam, Go-Viet thông báo sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với công ty mẹ là Gojek để trở thành Gojek Việt Nam. Việc hợp nhất sẽ kéo theo nhiều thay đổi lớn, trong đó có cả vấn đề về đồng phục.
Tại một cuộc trao đổi với truyền thông mới đây, ông Phùng Tuấn Đức, tân CEO Gojek Việt Nam cho biết sau hợp nhất, các tài xế Go-Viet vốn mặc màu áo đỏ, đội mũ bảo hiểm đỏ sẽ chuyển sang các trang phục màu xanh-đen cho giống với hình ảnh nhận diện chung của Gojek.
Tuy nhiên, trang phục này vẫn có các điểm được địa phương hóa cho khác với những thị trường khác.
Sau khi Go-Viet thông báo sẽ thay đổi đồng phục, không ít ý kiến nhận định rằng màu xanh-đen này có nhiều nét tương đồng với màu đặc trưng của Grab.
Thực tế màu xanh-đen vốn là đặc trưng của Gojek tại thị trường gốc là Indonesia. Xét về thời điểm thành lập, Gojek thậm chí còn xuất hiện trước Grab khi một bên ra mắt vào tháng 10/2009 và một bên là tháng 6/2012. Tuy nhiên, Grab vào thị trường Việt Nam trước Gojek nên người dùng sẽ quen thuộc với màu xanh của Grab.
Chính sự quen thuộc này sẽ khiến người dùng khó thay đổi quan điểm cố hữu trong đầu: Màu đỏ là Go-Viet. Còn màu xanh lá cây là Grab.
"Giờ GoViet chuyển thành Gojek Việt Nam, sẽ chuyển sang màu xanh (hai ống tay áo màu đen), có nghĩ đến sự nhầm lẫn giữa Gojek và Grab?
Giữa đám đông tài xế Grab và Gojek, tìm đâu cho ra người cần tìm? Lại gọi điện. Phiền thiệt đó nhen. Nếu có chuyện gì, phân loại hai tập đỏ và xanh sẽ dễ dàng hơn so với tuyền một màu xanh! Phức tạp lắm", một người dùng bình luận.
Vào năm 2018, Gojek chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để tiến ra khu vực, lấy tên thương hiệu GoViet. GoViet do một đội ngũ người Việt lãnh đạo, tự phát triển ứng dụng riêng và tự quyết định việc phát triển sản phẩm và mở rộng hoạt động ở thị trường Việt Nam.
Sau đó, công ty thành lập ứng dụng Get để kinh doanh tại Thái Lan. Riêng tại Singapore, Gojek vẫn lấy tên nguyên bản như tại Indonesia.
Đầu tháng 7 vừa qua, Gojek tuyên bố hợp nhất tất cả ứng dụng tại 5 thị trường thành một nền tảng duy nhất. Việc hợp nhất các ứng dụng lại thành một được cho là sẽ giúp Gojek triển khai nhanh hơn sản phẩm mới ra các quốc gia mà Gojek có mặt, qua đó tiếp tục mở rộng thị trường.
Hiện nay, Gojek Indonesia có khoảng 20 dịch vụ khác nhau, trong khi đó tại Việt Nam mới chỉ có 3 dịch vụ cơ bản gồm gọi xe máy, giao hàng, giao thức ăn, chưa triển khai hai dịch vụ cơ bản dịch vụ cơ bản nhưng rất tiềm năng là ví điện tử và gọi xe 4-7 chỗ.
Theo Nhật Anh (Trí Thức Trẻ)