Tại dự thảo tờ trình Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 31/3, gói hỗ trợ 2% lãi suất mới giải ngân được khoảng 330 tỷ đồng, tương đương 0,83% kế hoạch (40.000 tỷ đồng). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, chính sách có kết quả triển khai rất thấp, dự kiến đến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, còn khoảng 37.430 tỷ đồng không sử dụng hết.
Khoảng 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, đủ điều kiện thụ hưởng nhưng không có nhu cầu được hỗ trợ. 87% khách hàng cũng thuộc các ngành trên nhưng lại không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ. Đặc biệt, có trường hợp khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất, nhưng chủ động hoàn trả ngân hàng toàn bộ số tiền.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 2 nguyên nhân chủ yếu cho các khó khăn, vướng mắc trên. Về phía người được hỗ trợ, khách hàng có tâm lý e ngại (đặc biệt là doanh nghiệp), do phải tuân thủ các yêu cầu về theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra. Đồng thời, khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất. Doanh nghiệp sẽ khó xử lý do số tiền đã được hạch toán vào lợi nhuận, chia cổ tức cho cổ đông.
Ngoài ra, việc xác định đối tượng thuộc diện “có khả năng phục hồi” theo quy định tại Nghị quyết số 43 cũng rất khó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải: “Khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, nhưng không thể khẳng định có khả năng phục hồi. Trường hợp khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí nêu trên, ngân hàng, khách hàng đều e ngại bị cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách”.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng đề xuất chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 2% sang chính sách khác. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân (do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi,… Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.
Về việc nghiên cứu điều chuyển nguồn lực từ gói hỗ trợ 2% lãi suất sang chính sách khác thuộc chương trình phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là điều khó khả thi. Lý do, nguồn lực còn lại của gói hỗ trợ lãi suất rất lớn, trong khi chương trình chỉ còn 7 tháng thực hiện, việc chuyển nguồn không đủ thời gian để đánh giá hiệu quả, tác động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chính sách với quyết tâm cao nhất; Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Kết thúc năm 2023, với số vốn không giải ngân hết của chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến 37.430 tỷ đồng), đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)