Góc khuất của những tập đoàn gia đình tài phiệt lớn mạnh nhất Hàn Quốc

04/09/2016 09:17:00

Che đậy bên trong sự hào nhoáng thường ngày, là một cuộc sống nhiều góc khuất không mấy người biết đến của các thế hệ chaebol ở Hàn Quốc.

 
Che đậy bên trong sự hào nhoáng thường ngày, là một cuộc sống nhiều góc khuất không mấy người biết đến của các thế hệ chaebol ở Hàn Quốc.

"Chaebol", ("chae" là "sở hữu" và "mumbol" là "gia đình quyền quý"), tức tài phiệt, là tên gọi ám chỉ các tập đoàn gia đình lớn của Hàn Quốc. Chaebol chính là những công cụ kéo Hàn Quốc ra khỏi tình trạng nghèo khó sau chiến tranh, vươn lên xếp thứ 13 thế giới về mức thu nhập GDP. Lotte, Samsung, Huyndai hay LG... đều là những gia tộc tài phiệt như vậy. Bên cạnh ảnh hưởng về kinh tế, tài chính và xã hội với đất nước Hàn Quốc, cuộc sống sau bức màn tiền tài danh vọng của các chaebol cũng được quan tâm rất nhiều.

Phía sau tiền tài và danh vọng, các thế hệ chaebol Hàn Quốc có gì? - Ảnh 1.
 

Tỷ phú Lee Kunhee, chủ tịch của Samsung Electronics, và con gái Lee Boojin, giám đốc điều hành Khách sạn Shilla (phải), tới dự một cuộc họp công ty tại khách sạn Shilla ở Seoul, Hàn Quốc, vào 02 tháng 1 năm 2014.

Thế hệ đầu tiên của các chaebol Hàn Quốc được hình thành từ những năm 1950. Khi đó, Samsung là tập đoàn giàu có và có sức ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế, chính trị và xã hội nước này. Ông chủ Lee Byungchul xuất thân trong một gia đình chủ đất giàu có, được đi du học ở Nhật Bản nhưng lại bỏ ngang về nước và chỉ ăn không ngồi rồi trong vòng vài năm. Đến năm 26 tuổi, Lee Byungchul sử dụng số tiền thừa kế để bắt đầu xây dựng một nhà máy gạo ở quê nhưng cũng không thành công. Do đó, ông đã đến Taegu, thành lập nên tập đoàn Samsung thịnh vượng như ngày nay.

Ông chủ của Huyndai Chung Juyung lại từng là một cậu bé chạy việc trong một nhà máy gạo và làm việc trên các bến cảng vào những năm 1930. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ của bản thân, đến năm 1940, Chung Juyung đã có thể mua lại được một cửa hàng sửa chữa ô tô. Từ cơ ngơi nhỏ này của mình, Chung Juyun đã tận dụng mọi cơ hội và phát triển nó thành tập đoàn Huyndai lớn mạnh trong nhiều thập kỉ, là một trong "BigFour" có sức ảnh hưởng quan trọng tới kinh tế, chính trị và xã hội Hàn Quốc.

Không phải ai cũng may mắn có được số tiền thừa kế khổng lồ như Lee Byungchul để gây dựng sự nghiệp, hay tính tiết kiệm, tích cóp của Chung Juyung để đổi đời, nên những người như họ rất trân trọng những gì mình được số phận ưu ái. Bởi vì nền tảng tương đối tốt, lại gặp đúng thời cơ phất lên nhưng cũng phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu tươi, nên chẳng có lý gì mà những ông chủ này muốn cả cơ ngơi của mình rơi vào tay người ngoài. Họ cho người nhà, con cháu vào giữ những chức vụ quan trọng, đầu não của công ty, để rồi dần hình thành nên cái tên gọi chaebol - tập đoàn gia đình.

Phía sau tiền tài và danh vọng, các thế hệ chaebol Hàn Quốc có gì? - Ảnh 2.
Huyndai - tập đoàn gia đình trị lớn thứ 2 Hàn Quốc.

Khi sống trong một gia tộc quyền quý và bề thế như vậy, cuộc sống của các thành viên trong gia đình mang rất nhiều mang sắc khác nhau tuy nhiên, thông tin về cuộc sống của họ cũng được giữ kín nhất có thể, chỉ thi thoảng lắm mới có những tin tức lọt được ra ngoài.

Là một trong các rường cột chính của Hàn Quốc về mọi mặt, các chaebol được hưởng rất nhiều ưu đãi của chính phủ trong hoạt động kinh doanh lẫn đời sống xã hội. Các chaebol thế hệ thứ 2, thứ 3 ý thức rất rõ về điều này, vì thế bên cạnh các nỗ lực làm việc, cũng không ít các vụ bê bối do chính các chaebol gây ra. Năm 2014, vụ bê bối của hãng hàng không Korean Air tại sân bay quốc tế JFK, NewYork đã trở thành "giọt nước tràn ly" cho những bất bình lâu nay tại Hàn Quốc về đế chế các công ty gia đình trị.

Con gái của củ tịch tập đoàn Korean Air- bà Heather Cho đã ra lệnh bắt chiếc máy bay đang chở mình quay lại cửa xuất phát để đuổi cổ tiếp viên trưởng chuyến bay New York - Seoul khỏi máy bay vì phục vụ sai món hạt macadamia. Tiếp viên trưởng đã để hạt macadamia trong gói giấy thay vì trong đĩa như bà Cho đòi hỏi. Hành động của bà Cho khiến chuyến bay bị chậm chễ 11 phút. Truyền thông Hàn Quốc đã phản ứng dữ dội và cho rằng hành động của bà Cho là một ví dụ về "đặc ân" mà các gia đình đứng đầu các tập đoàn gia đình trị nước này đang tự cho mình có quyền được hưởng.

Phía sau tiền tài và danh vọng, các thế hệ chaebol Hàn Quốc có gì? - Ảnh 3.
Bà Heather Cho cúi đầu xin lỗi người dân vì hành động "coi trời bằng vung" của bản thân.

Từ lâu, việc yêu và kết hôn với chaebol của các ngôi sao nổi tiếng ở Hàn Quốc đã không còn quá xa lạ với truyền thông và công chúng. Mối tình giữa họ có thể ví là đại gia - chân dài cũng không sai. Được làm dâu con trong một gia đình tài phiệt lắm tiền nhiều của không phải ước mơ của riêng cô gái nào. Nhưng thường thì những cuộc hôn nhân như này không kéo dài được lâu. 

Diễn viên Go Hyunjung, nổi tiếng qua vai diễn công chúa Mi Shil trong "Nữ hoàng Seon Deok", đã kết hôn với cháu trai của Tổng giám đốc Lee Kunghee tập đoàn Samsung đồng thời là Giám đốc điều hành công ty Thế giới mới Chung Yongjin. Tất cả người hâm mộ đều chúc phúc và mong đợi câu chuyện lọ lem trên màn ảnh được tái hiện ngoài đời, Go Hyunjung sẽ trở thành "nàng công chúa" khi về làm dâu gia đình bề thế này. Thế nhưng, cuộc hôn nhân đã kết thúc sau 8 năm 6 tháng chung sống. Go Hyunjung thậm chí còn không giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Bên cạnh đó, vẫn có những ngọc nữ như Lee Youngae (Nàng Dae Janggeum), mỹ nhân Kim Heesun hạnh phúc viên mãn bên người chồng chaebol của mình. Sau khi kết hôn, hầu hết họ đều chọn chia tay sự nghiệp sớm để ở nhà chăm lo cho gia đình và con cái.

Việc các cô gái Hàn Quốc luôn mơ mộng, ước ao lấy được một người chồng chaebol đã giúp nền điện ảnh xứ kim chi kiếm được bộn tiền khi các đạo diễn rất chăm chỉ làm phim dựa trên hình mẫu các nam thần chaebol thế hệ thứ 2, thứ 3 hoàn hảo. Các diễn viên điển trai, xinh gái, giàu có xuất hiện trong các bộ phim truyền hình đã phản ánh một phần không nhỏ cuộc sống của các chaebol ngoài đời thực.

Phía sau tiền tài và danh vọng, các thế hệ chaebol Hàn Quốc có gì? - Ảnh 4.
Kim Hee Sun kết hôn vào ngày 19 tháng 10 năm 2007 với ông xã Park Jooyoung, hơn cô ấy 3 tuổi, là con thứ của ông chủ tập đoàn xây dựng lớn ở Hàn Quốc.

Những tiểu thư, công tử dòng dõi chaebol được học hành đến nơi đến chốn, nhưng cũng vì tâm lý hơn người nên họ thường kiêu ngạo, hách dịch, coi trời bằng vung. Trong công ty của gia đình, họ luôn phải nỗ lực cạnh tranh, thậm chí là đấu đá nhau để giữ vững được địa vị của mình. Tuy cùng là anh em trong một gia tộc nhưng dường như khi dính đến lợi ích của mình, tình thân cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tham nhũng, biển thủ tài chính là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra trong các tập đoàn gia đình trị.

Ngày 17/8 năm ngoái, Shin Dongbin, con trai thứ 2 của nhà sáng lập Lotte Group Shin Kyukho, đã đẩy cha mình ra khỏi chiếc ghế chủ tịch và hoàn tất việc kế nhiệm với tư cách người đứng đầu doanh nghiệp gia đình. Cuộc họp cổ đông diễn ra vào 9h30 sáng tại khách sạn Teikoku ở thành phố Tokyo, Nhật Bản và chỉ kéo dài 15 phút. Quyết định được đưa ra dựa trên kết quả đa số phiếu bầu. Theo đó, kỷ nguyên lãnh đạo của Shin Kyukho đã kết thúc và mở ra kỷ nguyên mới của Shin Dong Bin. Ngay sau đó, Shin Kyuho đã kiện con trai thứ của mình, và nói rằng chiếc ghế đó phải thuộc về con trai cả Shin Dongjoo. Cuộc chiến của 3 cha con họ Shin kéo dài đến tháng 3 năm nay, thì Shin Dongbin đã thẳng tay loại cha mình ra khỏi ban giám đốc của chi nhánh chính của Lotte.

Phía sau tiền tài và danh vọng, các thế hệ chaebol Hàn Quốc có gì? - Ảnh 5.
Chủ tịch mới của Lotte Group Shin Dongbin (giữa).

Nếu hay theo dõi các tin tức Hàn Quốc, cũng không ít người xa lạ với các thông tin ca sĩ, diễn viên nổi tiếng bỗng dưng bị khui ra chuyện hẹn hò, bê bối đời tư… Có một điều là những thông tin đó luôn được tung ra cùng thời điểm scandals của các chaebol bắt đầu bị báo chí đưa tin. Mới đầu người ta nghĩ đây chỉ là điều trùng hợp, nhưng rất nhiều lần xảy ra chuyện tương tự nên công chúng tin rằng, các chaebol đang cố gắng thao túng truyền thông, dùng tiền che đậy các vụ bê bối của bản thân và công ty. Tuy rằng đây chỉ là một tin đồn không có căn cứ, nhưng cũng chính bởi quyền lực gần như bất khả xâm phạm của những người đứng đầu tập đoàn cùng với con cháu họ đã gây ra làn sóng  bất bình trong xã hội Hàn Quốc nhiều năm nay.

Có một cuộc sống bề ngoài hào nhoáng, bóng lộn, muốn gì được nấy, nhưng sự thật bên trong các gia đình chaebol lại vô cùng phức tạp và có phần mục ruỗng. Cha con, anh em không từ thủ đoạn đấu đá nhau. Những tình tiết tưởng rằng chỉ có trong phim nhưng người ta cũng quên rằng, phim ảnh là công cụ phản ánh đời thực. Câu chuyện về cuộc sống riêng tư các chaebol chắc chắn không chỉ dừng lại ở đây, nó chỉ hé mở ra một phần nào đó rất nhỏ về những bê bối mà họ không kịp thời che đậy mà thôi.

Theo Ngọc Vũ (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật