Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ngày 26-9, Thủ tướng gọi tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là “nút thắt cổ chai”.
“Điểm mờ” trong nền kinh tế
Báo cáo tóm tắt về tình hình giải ngân ĐTC chín tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói “vấn đề phân bổ và giải ngân vốn ĐTC vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của nền kinh tế”.
Năm 2019, Bộ KH&ĐT tiếp tục trình và Thủ tướng giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương trên 390.000 tỉ đồng (bằng 92,16% dự toán mà Quốc hội phê chuẩn). Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch hơn 33.000 tỉ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục; một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch, lúng túng trong công tác điều chỉnh...
“Việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ĐTC cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật... nhưng làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm liên quan là cần thiết” - Bộ trưởng Dũng nói.
Sau khi đề cập nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng Dũng cho hay công tác kế hoạch hóa ĐTC còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương. thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật.
Ngay cả vốn trái phiếu chính phủ và ODA giải ngân cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Các dự án cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... tiến độ giải ngân rất chậm.
Sau khi lược qua các nguyên nhân, Bộ trưởng Dũng nói: “Để giải quyết vấn đề phân bổ và giải ngân chậm, cần phải xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ từ thể chế, pháp luật đến công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, thực hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân”.
Tiền không ra khỏi tài khoản được
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tình trạng chậm giải ngân ĐTC từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế. Nó cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng, kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ, gây lãng phí lớn và tăng chi phí, tăng nợ nần.
Thủ tướng cho hay những vấn đề như mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, thể chế…, có nhiều địa phương, nhiều ngành lại giải ngân hết sức tốt 70%-80%, có địa phương đạt cao hơn.
Ngược lại, có nhiều ngành, địa phương thì giải ngân chỉ 10%-15%. “Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan” - Thủ tướng nói.
“Tại sao người ta làm được, mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần, thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được” - Thủ tướng nói.
Phê phán nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải ngân ĐTC, Thủ tướng còn đề cập đến nhiều quy định chồng chéo nhưng lưu ý: “Quy trình, thủ tục vẫn phải làm đầy đủ, chặt chẽ, bỏ qua khâu này cũng nguy hiểm đối với sự phát triển”.
Thủ tướng yêu cầu các công trình, dự án “đừng làm dối, làm hỏng, đừng ăn cắp định mức, rút ruột công trình”.
Xử lý nghiêm hành vi cố tình cản trở giải ngân
Điểm qua những nguyên nhân như không sát sao, trực tiếp tháo gỡ, chưa phân cấp, giao quyền, nhũng nhiễu…, Thủ tướng đề nghị khi xem xét thi đua, khen thưởng, đề bạt cán bộ thì xem xét luôn nhiệm vụ đầu tư xây dựng mà cán bộ đó có để chậm trễ, gây thất thoát hay không.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị “phải kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với những vi phạm, làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao”.
49,14% là tỉ lệ giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng giao trong chín tháng đầu năm 2019 (ước đạt 192.000 tỉ đồng).
“Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân” - Thủ tướng nói.
Đề cập đến sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có khoản vốn trên 11.000 tỉ đồng chuyển về tài khoản nhưng Thủ tướng cho hay Đồng Nai vẫn nói “để tháng 10 sang năm mới làm”. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT và chủ tịch UBND TP Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Lưu ý, các bộ không để tái diễn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, đổ lỗi cho nhau. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải hợp tác tốt với nhau để giải quyết các vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án chậm sang các dự án có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ.
“Tôi được biết các bộ như Bộ GTVT, Bộ Y tế báo cáo khả năng không sử dụng hết kế hoạch vốn ĐTC giai đoạn 2016-2020 với số tiền lên đến 60.000-70.000 tỉ đồng, trong khi đó rất nhiều dự án ở các bộ, ngành khác đang cần vốn. Bộ KH&ĐT khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng điều chỉnh” - Thủ tướng nói.
Trong năm 2019, TP.HCM đã giao kế hoạch ĐTC hơn 33.000 tỉ đồng. Tính đến ngày 15-9, tổng vốn đã giải ngân hơn 11.000 tỉ đồng (đạt 43% kế hoạch). Trong đó, vốn ngân sách TP giải ngân đạt 31%, vốn trung ương giải ngân đạt 61%, vốn ODA giải ngân đạt 80%.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, TP.HCM tập trung thực hiện các chỉ đạo của trung ương, đề ra nhiều giải pháp. Chẳng hạn như xác định người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý kế hoạch ĐTC, không giao cho cấp phó hoặc các ban quản lý dự án. Trong năm 2019, các đơn vị giải ngân dưới 90% không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm.
TP cũng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, trên cơ sở 85 đầu việc TP đã ủy quyền cho các đơn vị, TP sẽ rà soát và tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền lĩnh vực đầu tư nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2019 và các năm tiếp theo.
Theo Chân Luận (Pháp Luật TP.HCM)