Tập đoàn tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới Knight Frank vừa công bố “Wealth Report năm 2023 (tạm dịch: “Báo cáo về sự giàu có”), trong đó trình bày chi tiết về tài chính của các cá nhân có tài sản ròng giá trị cực cao.
Knight Frank đã khảo sát hơn 500 người siêu giàu, gồm chủ ngân hàng tư nhân, cố vấn tài chính và văn phòng gia đình, đại diện cho khối tài sản tổng cộng hơn 2.500 tỉ USD.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy ba ưu tiên đầu tư vẫn là bất động sản, cổ phiếu - cổ phần và trái phiếu.
1. Bất động sản thương mại (34%)
Nhìn chung, bất động sản thương mại chiếm nhiều danh mục đầu tư của giới siêu giàu hơn là cổ phiếu. Báo cáo của Knight Frank còn chia thành 2 loại hình đầu tư là trực tiếp (21%) và gián tiếp thông qua quỹ ủy thác (13%).
43% người được hỏi cho biết khách hàng của họ đang đầu tư vào văn phòng - loại tài sản thương mại phổ biến nhất còn 35% đầu tư cho thuê địa điểm chăm sóc sức khỏe. Các yếu tố môi trường cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc người giàu chọn bất động sản nào để đầu tư, với 57% quan tâm đến bất động sản có nguồn năng lượng xanh.
2. Cổ phiếu, cổ phần (26%)
Khảo sát của Knight Frank cho thấy 26% danh mục đầu tư của những người giàu nhất thế giới là vào vốn chủ sở hữu, cổ phiếu và cổ phần trong các công ty. Ở châu Mỹ, tỷ lệ này lên tới ⅓.
Vào năm 2022, Công ty Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett đã chi kỷ lục 68 tỉ USD cho cổ phiếu.
3. Trái phiếu (17%)
Trái phiếu từ lâu được xem là một cách thuận tiện để đầu tư tiền, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng chiếm đến 17% danh mục đầu tư.
Trái phiếu thực sự là một loại IOU (giấy xác nhận vay mượn không chính thức do người nợ cấp cho chủ nợ), thường do chính phủ hoặc tập đoàn phát hành.
4. Đầu tư tư nhân/ Vốn mạo hiểm (9%)
Đầu tư vốn tư nhân là đầu tư vào một công ty chưa có trên thị trường chứng khoán. Nếu đó là vốn mạo hiểm đồng nghĩa với việc có nhiều rủi ro hơn nhưng những công ty này cũng có tiềm năng tăng trưởng cao.
Và đối với những người giàu nhất thế giới, trung bình họ sẽ dành 9% danh mục đầu tư của mình vào những khoản đầu tư như vậy. Các “cá mập” Shark Tank cũng cạnh tranh để đầu tư tư nhân/mạo hiểm để giúp các công ty khởi nghiệp.
Peter Thiel là nhà đầu tư thiên thần đầu tiên của Facebook vào năm 2004, biến 500.000 USD ban đầu của ông thành 638 triệu USD khi công ty của Mark Zuckerberg lên sàn 8 năm sau đó.
5. Đầu tư theo đam mê (5%)
Nhiều tỷ phú chọn đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật hoặc ô tô - những thứ mua để chiêm ngưỡng, chiếm khoảng 5% danh mục đầu tư trung bình.
59% số người trả lời khảo sát của Knight Frank nói rằng khách hàng của họ có khả năng mua tác phẩm nghệ thuật trong năm nay. Đồng hồ và xe cổ là mặt hàng phổ biến tiếp theo. 20% cũng đang đầu tư vào túi xách hàng hiệu.
Tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev từng đầu tư 2 tỷ USD (~47.000 tỷ đồng) vào 38 tác phẩm từ các họa sĩ danh tiếng Leonardo da Vinci và Pablo Picasso.
Năm 2017, "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci đã trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán với giá 450,3 triệu USD.
6. Vàng (3%)
Trung bình những người giàu nhất thế giới cất giữ 3% khoản đầu tư của họ vào vàng. Trên thực tế, họ coi đó là giao dịch mua an toàn thứ 2 sau bất động sản.
Nhà phân tích tài chính James Jason từng nói với Insider: "Lịch sử đã chỉ ra rằng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, từ Đại suy thoái đến đại dịch Covid-19, vàng đều tăng giá trị."
7. Tiền điện tử (2%)
Tiền điện tử là khoản đầu tư dễ biến động nhất, nhưng nó vẫn chiếm 2% danh mục đầu tư trung bình.
Trong báo cáo năm 2022, Knight Frank cho biết 18% người siêu giàu sở hữu một số loại tiền điện tử.
8. Khác (7%)
Khảo sát của Knight Frank cũng liệt kê các khoản đầu tư "khác", chiếm trung bình 7% danh mục đầu tư, nhưng không nói rõ danh mục này bao gồm những gì.
PN (SHTT)