Giới đầu tư sợ phá giá đồng nhân dân tệ

16/02/2016 09:44:08

Chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 1% trong ngày 15-2, ngày đầu tiên mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa.

Khoảng 5.000 công nhân lẫn giới chủ ngành luyện thép ở châu Âu đã tụ hội tại Brussels ngày 15-2 để biểu tình phản đối tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và phá giá của Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia cho rằng bức tranh ảm đạm về thị trường tài chính của Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt khi lòng tin của giới đầu tư trong và ngoài nước chưa hồi phục.

Giới đầu tư vẫn luôn quan ngại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) lại tiếp tục cho phá giá đồng nhân dân tệ trong tương lai gần, dù PBoC đã có động thái trấn an bằng việc điều chỉnh tăng giá đồng nhân dân tệ so với USD trong cùng ngày.

Báo Chứng Khoán Trung Quốc cho biết chỉ số chứng khoán Shanghai Composite mất 0,6%, trong khi chỉ số chứng khoán lớn nhất Trung Quốc CSI 300 ở Thâm Quyến và Thượng Hải rớt giá 1,4%.

Thậm chí trong phiên giao dịch sáng cùng ngày, chỉ số Shenzhen Composite giảm 56,89 điểm, tương đương 3,25%.

Nhà đầu tư do dự

Báo Chứng Khoán Trung Quốc dẫn lời chuyên gia kinh tế ở Thượng Hải Hà Tăng Dân cho biết kinh tế Trung Quốc tăng 6,9% trong năm 2015, là tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất từ năm 1990 đến nay.

Theo ông Hà, những số liệu này có khả năng sẽ còn thấp hơn trong năm 2016. Tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm thê thảm trong tháng 1-2016 khi mất đi 1.140 tỉ nhân dân tệ (khoảng 174 tỉ USD).

Chính dữ liệu này đã gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho các nhà đầu tư khiến họ đang do dự chưa đưa ra quyết định định hướng đầu tư trong tương lai.

Dù vậy, ông Trần Hưng Vũ - chuyên gia phân tích ở Công ty chứng khoán Phillip - vẫn tự tin nhận định: “Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất giá chủ yếu do các thị trường chứng khoán nước ngoài giảm giá trong suốt tuần lễ Tết âm lịch. Tình hình mất giá này nằm trong dự đoán và chỉ là cục bộ”.

Các nhà đầu tư cũng đang hi vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ có thêm một số động thái kích thích nền kinh tế vốn đang trì trệ của nước này.

Nhà phân tích ở Công ty chứng khoán Trung Tâm, ông Trương Cương, cho biết thị trường nội địa của Trung Quốc sẽ tiếp tục còn được củng cố trong thời gian tới vì chính sách của chính phủ hiện nay chưa rõ ràng.

“Liệu Chính phủ Trung Quốc có tiếp tục cắt giảm lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng hay không còn phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế” - ông Trương giải thích.

Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đang có khuynh hướng giảm trong năm 2016. Tính đến nay các thị trường ở nước này đã mất tổng cộng 12.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1.840 tỉ USD).

Tiếp tục trấn an

Giới môi giới chứng khoán Trung Quốc thậm chí còn trấn an rằng cổ phiếu các ngành công nghiệp của Trung Quốc sẽ tăng giá trở lại trong tháng này, khi những “nỗi sợ hãi phá giá đồng nhân dân tệ đã lắng dịu” bằng động thái điều chỉnh tăng tỉ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD của PBoC, cũng như việc chính quyền Bắc Kinh sẽ tạo thêm không gian cho việc kích thích tiền tệ của nước này.

Cụ thể, PBoC đã ấn định tỉ giá ngày 15-2 ở mức cao nhất trong vòng một tháng qua với 6,5118 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Cùng lúc, thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên cũng khuyến cáo giới đầu tư không nên để những đồn đoán liên quan đến tình hình dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lấn át quyết định đầu tư của họ.

“Việc dự trữ ngoại hối tăng hay giảm là hết sức bình thường. Không có cơ sở nào để đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm và Trung Quốc sẽ giữ ổn định giá trị đồng nhân dân tệ” - ông Chu trấn an.

Trong khi đó, giới chuyên gia phân tích ngoài sự lo lắng về tình hình suy giảm của kinh tế toàn cầu, giới đầu tư vẫn chưa thể giũ sạch mọi mối hoài nghi, thất vọng về số liệu kinh tế được công bố của Trung Quốc.

Thêm vào đó là mối quan ngại PBoC sẽ nuốt lời hứa “không phá giá đồng nhân dân tệ”.

ông Christopher Balding, phó giáo sư Trường đại học kinh doanh của HSBC, cảnh báo nếu Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, vô hình trung sẽ khiến các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu cũng sẽ đi vào con đường phá giá đồng tiền của mình để cạnh tranh.

Lúc đó, nguy cơ chiến tranh tiền tệ toàn cầu có khả năng tái xuất hiện.

Chuyên gia Balding cũng nhấn mạnh rằng khả năng Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là rất lớn nhằm ứng phó với những mối đe dọa hệ thống tài chính của nước này sẽ rơi vào hỗn loạn nếu tình hình không kiểm soát được.

“Những nỗi sợ này đang lớn dần. Ảnh hưởng của việc giảm giá đồng nhân dân tệ về bản chất đang ngày càng hiện rõ về mặt sắc thái” - ông Balding nói.
 
Chứng khoán Nhật, Hong Kong tăng
 
Trái với tình hình ở Trung Quốc, chứng khoán Nhật Bản và Hong Kong đã tăng mạnh trong ngày mở cửa đầu tuần.

Báo Wall Street Journal cho biết chỉ số Nikkei trên thị trường chứng khoán Tokyo tăng khoảng 4,1% sau một tuần mất giá đến 11% và chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong cũng tăng đến 3,27%.

Tuy nhiên, giới đầu tư lẫn chuyên gia tài chính vẫn còn hoài nghi về tính ổn định của việc tăng giá này.

“Đã có một số giao dịch mua cổ phiếu được kích hoạt nhưng điều mà chúng tôi đang nhìn thấy có lẽ là sự hồi phục chưa hoàn toàn của thị trường” - nhà phân tích thị trường thuộc Công ty chứng khoán Matsui của Nhật Bản cho biết.

Theo Mỹ Loan (Tuổi Trẻ)