Giới chủ và người lao động nói gì trước khi chốt tăng lương

07/08/2017 15:07:00

Sáng 7/8, trao đổi với báo chí trước khi khai mạc phiên họp thứ 3 của Hội đồng tiền lương (HĐTL) Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tất cả các thành viên đều hy vọng phiên họp này sẽ thống nhất phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 cuối cùng để trình Thủ tướng.

Sáng 7/8, trao đổi với báo chí trước khi khai mạc phiên họp thứ 3 của Hội đồng tiền lương (HĐTL) Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tất cả các thành viên đều hy vọng phiên họp này sẽ thống nhất phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 cuối cùng để trình Thủ tướng.

HĐTL Quốc gia họp bàn phương án tăng lương tối thiểu 2018

Tại phiên họp này , mức đề xuất tăng lương của VCCI là 5%, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là 8%. Hai bên sẽ thương lượng để đưa ra mức phù hợp, trước khi tiến hành bỏ phiếu và thông qua mức tăng lương tối thiểu năm 2018.

Về đại diện chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đã động viên DN có mức  tăng lương tối thiểu 2018 để đáp ứng nhu cầu sống của người lao động (NLĐ).

“Trong khoảng thời gian từ phiên họp lần thứ 2 đến phiên họp lần thứ 3 của  HĐTL Quốc gia, chúng tôi khảo sát  các hiệp hội DN. Họ đều đề xuất không tăng lương. Đây là cái khó của chúng tôi trong cuộc thương lượng hôm nay. Chúng tôi ý thức được rằng, không thể không tăng nhưng tăng ở mức nào thì thảo luận tiếp”, ông Phòng cho biết.

Theo ông Phòng, đại diện VCCI đã động viên DN, trong bối cảnh hiện tại phải chia sẻ với NLĐ, có sự cảm thông nhất định với NLĐ để họ có mức sống ổn định. DN phải làm sao có mức chi trả đủ đáp ứng nhu cầu và giữ chân được NLĐ. Bên cạnh đó, DN cũng phải có biện pháp như cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị để tăng năng suất lao động.

Trước cuộc họp, đại diện VCCI cho biết vẫn giữ quan điểm chỉ tăng trên dưới 5%. Mức tăng này đáp ứng nhu cầu phát triển, năng lực chi trả của DN. Đặc biệt tạo dư địa để cho DN phát triển, cạnh tranh và năng lực thực tế của DN làm sao đáp ứng việc tăng lương tối thiểu.

“Trong 7 tháng qua, có trên 50.000 DN giải thể, trong khi số DN thành lập mới chỉ hơn 70.000 DN. Như vậy cứ 3 DN thành lập thì 2 DN rời khỏi thị trường. Chúng tôi không muốn con số này tiếp tục tái diễn nên đề xuất chỉ tăng trên dưới 5%”, ông Phòng cho biết.

Đề cập đến mức sống tối thiểu của NLĐ, đại diện VCCI cũng mong muốn NLĐ nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật lao động, năng lực làm việc để có mức lương cao hơn chứ không phụ thuộc vào mức lương tối thiểu. NLĐ sẽ có nhiều phần khác như thưởng tay nghề lao động, tăng năng suất, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ sử dụng lao động mang lại cho NLĐ.

Trước đó, tại phiên họp thứ 2 của HĐTL quốc gia (ngày 28/7), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa mức tăng 8% và kiên trì giữ mức đề xuất này trong phiên họp hôm nay.

Chủ tịch HĐTL Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, 2 phiên họp trước của HĐTL, đại diện NLĐ và chủ sử dụng lao động rất thiện chí trong đối thoại, thương lượng để có thể tiến tới mức tiền lương tối thiểu năm 2018. Chênh lệch mức đề xuất tăng tiền lương tối thiểu 2018 của 2 bên đưa ra thu hẹp nhiều, từ trên 8% giảm xuống khoảng 3%.

Theo Chủ tịch HĐTL Quốc gia, qua 2 phiên họp vừa qua, đại diện người sử dụng LĐ và NLĐ đều rất thiện chí. Lúc đầu, mức chênh lệch đề xuất của 2 bên rất lớn (8-10%) là điều bình thường vì khi thương lượng, 2 bên đều có quyền đưa ra ý kiến ban đầu của mình. 

“Đến phiên thứ 2, mức chênh lệch đã giảm xuống chỉ còn 3%. Cả 2 bên đã nhìn nhận từ tất cả khác khía cạnh, như: Mức sống tối thiểu, lạm phát, khả năng chi trả của DN… để đưa ra đề xuất tăng của mình. Hơn 1 tuần vừa qua, chắc là các bên đã cân nhắc phương án đưa ra cho phiên họp lần này. Hôm nay Hội đồng sẽ thống nhất được phương án tăng LTT vùng năm 2018 để trình Thủ tướng”, ông Diệp nói.

Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)

Nổi bật