Giao dịch Bitcoin tại Việt Nam, hợp pháp hay không?

22/04/2019 14:30:56

Hơn 5 năm có mặt tại Việt Nam và trải qua nhiều biến động không ngừng cùng với thị trường tiền ảo trên thế giới, Bitcoin trở thành đồng tiền mã hoá điển hình trong thương mại điện tử và không còn xa lạ với các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Vậy tính hợp pháp của Bitcoin tại Việt Nam hiện nay thế nào? Cùng nhắc lại một số điểm mốc đáng chú ý để hiểu rõ hơn về các hoạt động giao dịch Bitcoin hiện nay.

Giao dịch Bitcoin tại Việt Nam, hợp pháp hay không?

Tháng 12 năm 2013, Bitcoin chính thức gia nhập vào thị trường Việt Nam với đại lý đầu tiên cho phép mua Bitcoin từ sàn và giao dịch với các đối tác khắp nơi trên thế giới (Mỹ, Singapore, Israel). Tiếp theo đó, sàn giao dịch trực tuyến tại Việt Nam ra đời vào tháng 7 năm 2014, với tên gọi VBTC do công ty Bitcoin Việt Nam sáng lập và điều hành.

Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện rõ quan điểm thông qua Thông cáo báo chí, cho rằng: “Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ".

Thị trường Bitcoin tiếp tục phát triển với nhiều hoạt động sôi nổi với các hội thảo về blockchain trong cộng đồng tiền ảo và thậm chí được đưa vào sử dụng thử nghiệm tại một cửa hàng Pizza với chiếc máy ATM Bitcoin.

Phản ứng đầu tiên đáng chú ý của nhà nước là vào tháng 8 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử nói chung, trong đó có Bitcoin. Theo đó, vào cuối tháng 10 cùng năm, Ngân Hàng Nhà nước đưa ra thông báo chính thức nghiêm cấm cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm  phương thức thanh toán. Thông báo này dựa trên Khoản 6, 7 Điều 4 tại Nghị định 101/2012, Nghị định 96/2014, Nghị định 80/2016 được Chính phủ ban hành. Người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt từ 150-200 triệu đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc Ngân Hàng Nhà Nước không công nhận giá trị của đồng tiền ảo và Bitcoin trong các giao dịch mua bán trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Không chỉ chịu mức phạt như đã kể trên, từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có mua bán, sử dụng Bitcoin để thanh toán, theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Giao dịch Bitcoin tại Việt Nam, hợp pháp hay không? - 1

Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi về tính hợp pháp của Bitcoin, nhà đầu tư cần tìm ra câu trả lời tuỳ theo trường hợp của mình, để tránh hiểu sai các quy định của pháp luật.

Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước cấm việc sử dụng Bitcoin nói riêng và các loại tiền ảo nói chung trong việc thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, các tài sản sở hữu của cá nhân bạn, nếu không thực hiện bất cứ giao dịch thanh toán nào thì được xem là không vi phạm các quy định nói trên. Ngoài ra, các hoạt động mua bán trên các sàn giao dịch quốc tế cũng là một điểm khác không nằm trong điều luật cấm. 

Ngoài ra, động thái phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo vào tháng 8 năm 2017 của chính phủ cũng có thể đem đến dấu hiệu tích cực hơn cho Bitcoin trong tương lai sắp tới, nếu như chính phủ công nhận Bitcoin và phân loại nó vào tài sản ảo cùng với các điều chỉnh khác.

Như vậy, có thể nói việc sử dụng Bitcoin để thực hiện thanh toán ở Việt nam không được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, người sử dụng Bitcoin hoàn toàn có thể sở hữu và tích trữ hoàn toàn hợp pháp. Bạn có thể đầu tư, chuyển nhượng và giao dịch thông qua sàn giao dịch bình thường tuỳ vào nhu cầu và trường hợp của mình mà không hề vi phạm pháp luật. 

PV (SHTT)