Ngân sách Nhà nước ước sẽ lùi 4,8 triệu USD để giảm sớm và giảm sâu thuế suất 7 loại linh kiện quan trọng của ô tô như động cơ, hộp số, cụm bánh xe, bật lửa điện... từ Nhật Bản, Hàn Quốc về 0-5% kể từ năm 2016, sớm hơn các cam kết hiện nay.
Theo đó, đối với xe ô tô con có dung tích dưới 2.0 lít, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế sâu ở 4 loại mặt hàng linh kiện, tương ứng 5 dòng.
Trong đó, hai mặt hàng động cơ ô tô nhập từ Hàn Quốc hiện nay là 20% theo thuế MFN được đề nghị giảm xuống mức 3%, bằng với cam kết trong FTA với Nhật Bản, áp dụng từ năm 2016. Tỷ lệ giảm lên tới 17% so với hiện hành.
Đối với các bộ phận hộp số và cụm bánh xe, Bộ Tài chính muốn đẩy nhanh giảm thuế cam kết với Nhật Bản và Hàn Quốc bằng mức cam kết trong FTA ASEAN-Trung Quốc là 5% vào năm 2016.
Ngân sách Nhà nước ước sẽ lùi 4,8 triệu USD để giảm sớm và giảm sâu thuế suất 7 loại linh kiện quan trọng của ô tô. |
Đối với bộ phận bật lửa điện, Bộ Tài chính cũng đề nghị giảm từ mức 7% và 18% hiện hành khi nhập từ Nhật Bản xuống thuế suất 0% từ năm 2016. Đây cũng là mức thuế rút nhanh trong cam kết với Nhật Bản ở VJEPA và bằng mức FTA ASEAN-Trung Quốc hiện nay.
Bộ Tài chính cho hay, Việt Nam đang có 42 dòng linh kiện có xuất xứ nhập từ Nhật Bản để sản xuất loại ô tô con dưới 2.0 lít. Trong đó, 17 dòng linh kiện trong nước đã sản xuất được. 23 dòng linh kiện còn lại trong nước chưa sản xuất được hiện đang chịu mức thuế suất MFN khá cao.
Tuy nhiên, theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong FTA với Nhật Bản, phải chờ đến năm 2019, các dòng linh kiện này mới được hưởng thuế suất ưu đãi về 0%.
Trong khi đó, nhiều cam kết FTA khác lại có lộ trình giảm thuế sớm hơn, như hiện nay, thuế nhập khẩu động cơ ô tô con, cụm bánh xe trong ASEAN đã là 0%, nhập bật lửa điện từ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã về 0%, nhập hộp số từ Trung Quốc năm 2016 là 5%, năm 2018 cũng về 0%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng dự kiến giảm thuế sớm ở nhiều loại phụ tùng, linh kiện cho máy kéo, xe tải có thuế về 0% nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản áp dụng vào năm 2016.
Lý giải về các đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, ngành sản xuất lắp ráp được khuyến khích phát triển theo định hướng nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng từ các đối tác có công nghệ cao, tạo động lực đột phá trong nước, góp phần vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc giảm thuế sớm và sâu ở các dòng linh kiện từ Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ góp phần thực hiện đúng định hướng trên tại Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Cùng đó, tác động đến giảm thu ngân sách là không lớn. Trong 3 năm 2016-2018, khi giảm thuế như trên, Ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu khoảng 1 triệu USD/năm nguồn thu từ thuế linh kiện phụ tùng xe tải và giảm 0,6 triệu USD/năm khi giảm thuế linh kiện phụ tùng xe con dưới 2.0 lít.
Theo Phạm Huyền (VietNamNet)