Điều quan trọng nhất là đưa mức giá xăng sinh học phải rẻ hơn xăng khoáng và khoảng cách đó thế nào thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tính toán.
Liệu Bộ Công Thương có thực hiện được lộ trình này theo chỉ đạo của Thủ tướng hay không? Sáng 11-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chia sẻ với báo giới về các giải pháp thực hiện.
- Nhiều người băn khoăn về tính khả thi khi thực hiện lộ trình này thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Hiện nay tổng lượng xăng dầu tiêu thụ trên cả nước trong năm 2016 là khoảng 7,4 triệu m3. Trong đó xăng sinh học E5 chỉ khoảng 590.000 m3 (chiếm 8%), trong khi đó xăng khoáng chiếm khoảng 92%, tương đương khoảng 6,8 triệu m3 (xăng RON92 chiếm 4,7 triệu m3, xăng RON95 chiếm 2 triệu m3).
Như vậy, nếu chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng RON92 sang E5 từ ngày 1-1-2018 thì lượng xăng E5 tiêu thụ cả nước khoảng hơn 5 triệu m3.
Về nguồn cung, hiện tại Việt Nam có 4 nhà máy ethanol ở Bình Phước, Quảng Ngãi, Phú Thọ và Đồng Nai. Tuy nhiên chỉ có hai nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm đóng ở Đồng Nai, Quảng Nam đang hoạt động với tổng công suất hơn 200.000 m3/năm đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 xăng E5/năm.
Còn hai dự án tại Dung Quất (Quảng Ngãi) và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất. Dự kiến hai nhà máy này đang triển khai kế hoạch tái khởi động trong năm 2017. Với kế hoạch này chúng ta sẽ đáp ứng đủ xăng E5 cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, về hạ tầng, hiện nay có 5 đầu mối kinh doanh xăng dầu có hạ tầng phối trộn với tổng công suất 3 triệu tấn xăng E5 (Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro, xăng dầu Quân đội và Nam Sông Hậu). Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm hạ tầng và dự tính đến cuối năm các trạm trộn sẽ đạt trên 6 triệu m3/năm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ từ đầu năm 2018.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ với báo giới ngày 11-7. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG |
- Trước đây, năm 2015, Bộ Công Thương cũng đã từng triển khai lộ trình thay thế toàn bộ xăng RON92 băng E5 trên toàn quốc nhưng lại không thành công. Lần này, Bộ rút ra bài học gì?
Đúng ra chúng ta phải thực hiện thay thế xăng RON92 từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hiện xăng E5 mới chỉ triển khai ở 8 tỉnh, TP là Hà Nội. TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ năm 2014.
Trong đó có 4 địa phương đã thay thế được hoàn toàn gồm Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.
Nguyên nhân chính hiện nay chúng ta mới chỉ triển khai tại một số địa phương xuất phát từ cở sở hạ tầng, nguồn cung chưa đáp ứng được; việc truyền thông chưa thành công khi chưa thay đổi được tâm lý người tiêu dùng; đặc biệt giá xăng E5 và chất lượng chưa hấp dẫn người mua.
Rút bài học đó, lần này, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan sẽ có sự quyết liệt chuẩn bị chu đáo, Bộ đã có các cuộc làm việc với Petrolimex, PV oil và các địa phương như Hà Nội, TP.HCM để đẩy mạnh công tác phồi hợp, tuyên truyền tạo điều kiện kinh doanh cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu đáp ứng việc cung ứng xăng sinh học, tạo cơ chế về giá để thu hút người tiêu dùng. Tính toán mức chênh lệch về giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng.
Bởi tới đây trên thị trưởng chỉ có hai loại xăng E5 và RON 95, nếu giá bán E5 không hấp dẫn thì người tiêu dùng sẽ quay lại sử dụng xăng khoáng RON95.
- Bộ Công Thương sẽ có cơ chế giá thế nào cho xăng E5?
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ phối hợp xây dựng giá cơ sở nhằm đảm bảo giá xăng E5 phải thấp hơn so với RON95 đủ hấp dẫn người tiêu dùng sử dụng xăng E5. Hiện nay chênh lệch giữa giá bán lẻ xăng RON95 và E5 đang khoảng 800 đồng/lít.
Nhiều người cho rằng mức chênh lệch khoảng trên 1.500 đồng/lít mới hấp dẫn. Tuy nhiên Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đưa ra cơ chế thuế phù hợp để tạo chênh lệch hợp lý.
Theo đó, hai bộ sẽ xây dựng cơ chế ưu đãi khâu sản xuất, tiêu thụ thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường,…Cụ thể, thuế môi trường với xăng E5 giảm về 2.850 đồng/lít so với 3.000 đồng/lít như hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm còn 8% so với 10% hiện nay.
Việc giảm thuế sẽ kích thích tiêu bán xăng E5 và chúng ta không lo thất thu thuế ở xăng dầu vì giảm thuế ở mặt hàng nay thì sẽ tăng thu ở mặt hàng khác.
- Tại sao chúng ta không nhập khẩu xăng sinh học thay vì trông đợi ở các nhà máy trong nước?
Hiện nay chưa có ai nhập khẩu xăng sinh học về VN bởi chưa chắc giá nhập khẩu về đã rẻ hơn trong nước. Vấn đề là chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước và tạo lợi ích cho người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất là đưa mức giá xăng sinh học phải rẻ hơn xăng khoáng và khoảng cách đó thế nào thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tính toán.
Bộ Công Thương đã làm việc với các tỉnh, TP và doanh nghiệp để hoàn thiện khâu chuyển đổi loại xăng. Trong đó các bể chứa, cây xăng sẽ được chuyển đổi nhanh chóng qua xăng E5 và không có gì khó khăn. Với tiến độ còn lại của năm 2017, chúng tôi tin tưởng sẽ chuyển đổi thành công.
Qua gần 3 năm bán trên thị trường cho thấy xăng E5 hoàn toàn đáp ứng kĩ thuật, an toàn của người tiêu dùng. Qua thời gian trên chưa có tỉnh nào phản ảnh những phàn nàn của khách hàng về xăng E5.
Việc sử dụng xăng E5 là nỗ lực của chúng ta bởi đây là nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng, môi trường, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trồng sắn. Khi chuyển đổi này sẽ khó khăn ở thời gian ban đầu những tôi tin người tiêu dùng sẽ chấp nhận sử dụng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Trà Phương (Pháp Luật TP.HCM)