Trên thế giới, Black Friday, hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối", được ấn định vào thứ Sáu đầu tiên sau ngày Lễ Tạ Ơn (một ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada). Năm nay, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần thứ 4 tháng 11 (tức ngày 26/11). Do đó, ngày Black Friday năm nay rơi vào thứ Sáu ngày 27/11.
Theo nhật báo USA Today, ngày Black Friday bắt đầu được nhắc tới vào năm 1939, khi Franklin D. Roosevelt - Tổng thống thứ 32 của Mỹ - đứng trước sức ép phải chuyển Lễ Tạ Ơn từ ngày thứ 5 cuối cùng lên thành thứ 5 lần thứ 4 trong tháng 11, với mục đích kéo dài mùa mua sắm Giáng sinh.
Bởi, khi mùa mua sắm kéo dài, người ta sẽ chi tiêu nhiều hơn, và nền kinh tế đang khủng hoảng lúc bấy giờ sẽ nhận được một sự thúc đẩy cần thiết. Đó chính là ý tưởng hình thành nên sự ra đời của Black Friday.
Sự thay đổi của ngày Lễ Tạ Ơn chính thức được công nhận vào năm 1941, nhưng khái niệm Black Friday đã không thực sự nổi bật cho đến khoảng một thập kỷ sau đó.
Song, theo một số nguồn tin khác, Black Friday được bắt nguồn từ thành phố Philadelphia của Mỹ. Những năm 1950, cảnh sát địa phương được cho là đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả các thứ 6 sau ngày Lễ Tạ Ơn vì đó là một ngày "đặc biệt khó khăn" đối với họ, do khối lượng người mua sắm tăng vọt đổ vào thành phố từ các vùng ngoại ô.
Còn trong tiếng Anhm, có hai thuật ngữ chỉ tình trạng của doanh nghiệp là “in the black” (làm ăn có lãi) và “in the red” (kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát). Trước đây, để phân biệt hai tình trạng đối nghịch này của doanh nghiệp và tiện theo dõi sổ sách, kế toán thường dùng mực đen để ghi lợi nhuận và mực đỏ để ghi số lỗ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp. Còn với người dân Mỹ thì đây được coi là “ngày vàng mua sắm”.
Vài ngày này, ở một số nước trên thế giới, nhiều cơ sở bán lẻ lớn đều mở cửa từ sáng sớm và giảm giá từ 30-40%, thậm chí giảm giá lên tới 60-80% với các mặt hàng thời trang, nội thất, điện lạnh, đồ gia dụng,... Theo đó, hàng nghìn người dân ngồi chờ từ sáng sớm, hay hình ảnh cả trăm người tranh giành nhau những chiếc tivi giảm giá cũng xuất hiện thường xuyên hơn.
Báo cáo ban đầu từ Mastercard SpendingPulse tiết lộ, mùa mua sắm Black Friday năm 2018, người tiêu dùng đã chi 850 tỷ USD và mua sắm trực tuyến tăng 19,1%. Tại Mỹ, trung bình mỗi người chi hơn 1.000 USD cho việc mua sắm mùa lễ. Họ cũng sẽ chi 154,53 USD để tận dụng các ưu đãi và khuyến mãi theo mùa.
Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, các nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Thế nên, nhiều người hy vọng vào ngày Black Friday năm nay, các thương hiệu lớn trên thế giới sẽ tung gia những chương trình giảm giá khủng để kích cầu mua sắm.
Tại Việt Nam, Black Friday tạo nên cơn sốt mua sắm lớn chưa từng có trong những năm gần đây. Năm 2019, dù có phần hạ nhiệt so với những năm trước đó, nhưng vào ngày “Thứ Sáu đen tối”, tại các cửa hàng thời trang, trung tâm thương mại vẫn thành cảnh mua sắm tấp nập, nhiều nơi còn có tình trạng xếp hàng dài chờ thanh toán.
Trên các tuyến phố, biển quảng cáo khuyến mãi Black Friday xuất hiện ngày càng nhiều với mức giảm giá từ 20-50%, thậm chí có nơi còn giảm giá tới 70%. Các chương trình khuyến mãi thay bằng tập trung giảm giá trong 1-2 ngày thì giờ kéo dài cả tuần. Song, nhiều tín đồ cuồng mua sắm vẫn còn tâm lý chờ tới sát ngày để có cơ hội mua được những món đồ ưng ý với mức giảm giá cao nhất.
Theo L.Minh (VietNamNet)