Thành phố đã dự trữ 120.000 tấn hàng theo tháng
Theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – ông Bùi Tá Hoàng Vũ, ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức dừng hoạt động phục vụ phòng, chống dịch, điều này không có nghĩa là không tổ chức hoạt động ở chợ đầu mối và cũng không có nghĩa là tiểu thương ở nhà. Thay vào đó, tiểu thương điều hành qua điện thoại và kênh thương mại điện tử.
“Tiểu thương chia nhỏ lượng hàng nhập ở các tỉnh để đưa về các chợ truyền thống và các kênh. Dĩ nhiên khi thực hiện việc này, người mua bán lẻ hơi khó khăn trong tiếp cận song Sở sẽ hướng dẫn thông tin và cung cấp số điện thoại để người mua liên hệ”, ông Vũ nói.
Cùng với đó, đại diện Sở Công thương mong người dân tại TP.HCM không nên quá lo lắng. Việc thiếu hàng ở các kệ, sạp nhất định, đây chỉ là các loại hàng bán theo thời điểm trong ngày. Ví dụ như rau, củ, quả, thịt heo sẽ bán vào buổi sáng để hàng tươi ngon. Người dân hôm sau có thể quay lại mua và mua trong điều kiện giãn cách.
“Dù điều kiện nào thì siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống vẫn sẽ mở cửa phục vụ cho người dân trong thời gian phòng, chống dịch”, Giám đốc Sở khẳng định.
Bên cạnh đó, đối với lượng hàng cung ứng, các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng theo tháng trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000 – 6.000 tấn/ngày.
Hiện các chợ truyền thống đóng cửa do không đảm bảo điều kiện an toàn tuy nhiên hiện tại vẫn có hơn 60% chợ truyền thống hoạt động, kèm theo đó là 102 siêu thị, 2.400 siêu thị mini với 28.700 điểm bán.
“Việc người dân lo lắng đi mua hàng và không đảm bảo giãn cách là nguy cơ tiềm ẩn, không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Vậy nên bà con hãy yên tâm”, đại diện Sở Công thương chia sẻ.
Đổ xô đi mua hàng là tác nhân gây lây lan dịch bệnh
Tâm lý mua hàng và tích trữ trên diễn ra trong những ngày gần đây, đặc biệt là ngày hôm qua (06/07) và hôm nay (07/07). Tâm lý trên được lý giải bởi nỗi lo sợ trước tình hình diễn biễn đang hết sức phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM. Bên cạnh đó, việc đóng cửa cả 3 chợ đấu mối lớn của thành phố để phòng, chống dịch bệnh phần nào làm người dân lo lắng việc cung ứng hàng hóa gặp vấn đề.
Tuy nhiên, chính đại diện các đơn vị cung ứng hàng hóa lớn trên địa bàn thành phố cho rằng chuỗi cung ứng vẫn đảm bảo cho người dân.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (Công ty Quản lý chợ Hóc Môn) cho biết, sau khi chợ này đóng cửa từ ngày 28/06, các tiểu thương vẫn giao dịch trực tiếp qua điện thoại. Thay vì tập trung tại chợ thì tiểu thương tự tìm cách phân phối.
“Họ thuê các mặt bằng dọc quốc lộ 22 để bán, rồi giao trực tiếp cho những điểm lấy hàng. Mặc dù đóng cửa nhưng mối lái không lo thiếu hàng. Thay vì đưa hàng đi các tỉnh thì giờ tiểu thương tập trung cho các mối trong thành phố”, ông Dũng chia sẻ.
So với ngày thường, số lượng hàng về tới các tiểu thương chợ Hóc Môn còn chừng khoảng 50% - 60%, tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn thịt và rau, củ, quả.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Quản lý chợ nhận định, hệ thống các cửa hàng tiện lợi, siêu thị vẫn đáp ứng đủ cho người dân thành phố. Đối với việc yêu cầu “giấy thông hành y tế” để tài xế đi lại giữa các địa phương, chi phí phát sinh sẽ do tiểu thương và bên cung ứng hàng tự hiệp thương, đảm bảo giao hàng cho các mối truyền thống.
Đại diện của Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op (thành viên của Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 TP) cho biết, mặc dù đóng cửa 3 chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức nhưng lượng hàng cung ứng vẫn ổn. Chính tâm lý cục bộ những ngày qua khiến người dân thành phố đổ xô đi mua hàng quá nhiều vào thời điểm này.
Còn đối với MM Mega Market Việt Nam, thống kê trong ngày hôm qua (06/07), lượng khách đến chuỗi Mega Market tại TP.HCM tăng đột biến (khoảng 50%) so với ngày thường và lượng đơn hàng hàng đặt online tăng gấp 15 lần.
Tuy nhiên, hệ thống cung ứng này khẳng định, chuỗi 4 cửa hàng nằm trên địa bàn TP.HCM vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và không bị ảnh hưởng nhiều từ việc các chợ đầu mối đóng cửa, do đơn vị này nhập 95% lượng hàng trực tiếp từ nhà cung cấp.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, chính việc người dân mang tâm lý lo sợ và đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mới chính là nguy cơ dẫn đến tình hình dịch Covid-19 có thể xấu đi.
“Bà xã tôi đi siêu thị mà thấy đông cũng bỏ về, đang thời điểm dịch mà tập trung một chỗ như vậy, không đảm bảo giãn cách thì còn nguy hiểm hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Đại diện một số đơn vị cung ứng hàng hóa cũng cho rằng, thông tin không chính xác trên các mạng xã hội hay các thông tin không chính thống về việc thành phố phong tỏa cũng góp phần dẫn đến tâm lý đổ xô đi mua hàng. Việc chen lấn, chờ đợi trong khi mua hàng là tác nhân góp phần lây lan dịch bệnh.
“Thành phố có 10 triệu dân mà ai cũng đổ đi mua hàng thì làm sao đủ được. Mong người dân hãy thật bình tĩnh”, đại diện một đơn vị cung ứng hàng nói.
Theo Quảng Định (VietNamNet)