Ngày 20/6, tòa án Kisutu ở thành phố Dar es Salaam, Tanzania đã xét xử công khai vụ việc nhóm người nước ngoài tàng trữ số lượng lớn sim card và sim box (300.000 sim), nghi là vụ gian lận cước quốc tế, trong đó có sim của hai nhà mạng Halotel và Zantel.
Theo đó, tòa án đã kết luận ông Lê Văn Đại, Giám đốc Halotel, Công ty của Viettel tại Tanzania và Halotel không vi phạm pháp luật hình sự. Cũng theo kết luận của tòa án, quy trình quản lý sim thẻ của Halotel và Zantel còn có một số điểm chưa chặt chẽ để đối tượng xấu lợi dụng vì thế Halotel và Zantel bị xử phạt hành chính.
Hiện ông Lê Văn Đại, Giám đốc của Halotel đã được trả tự do và trở về công ty ngay sau khi phiên toà kết thúc.
Trước đó quy trình bán hàng, hệ thống kiểm soát của Halotel được cơ quan quản lý viễn thông tại Tanzania (TCRA) đánh giá là tốt nhất. Tuy nhiên thực tế đã phát sinh những thủ đoạn tinh vi hơn trong việc mua bán sim, thẻ cào, vì thể thời gian tới Halotel sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn các hệ thống kiểm soát phân phối sim thẻ của mình.
Theo Viettel, việc bắt giữ giám đốc Halotel được thực hiện sau khi chính phủ Tanzania bắt một nhóm người nước ngoài tàng trữ số lượng lớn sim cards và sim box (300.000 sim) tình nghi là gian lận cước quốc tế trong đó có sim của 2 nhà mạng Halotel và Zantel.
Số lượng 300.000 sim nghi ngờ để sử dụng cho mục đích gian lận cước là do nhóm người nước ngoài thu mua từ hệ thống đại lý phân phối của nhà mạng (tại Tanzania các nhà mạng đều phân phối sim qua đại lý và hướng dẫn yêu cầu đại lý kích hoạt sim theo quy định của pháp luật). Vì thế Halotel không trực tiếp bán sim cho đối tượng người nước ngoài bị tình nghi.
Theo đại diện Viettel, đối với việc nhập khẩu, lắp đặt và sử dụng các thiết bị viễn thông nghi ngờ liên quan đến gian lận cước và qua mặt chính quyền quản lý là do nhóm người nước ngoài đang bị giam giữ thực hiện không liên quan đến Halotel.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)