Giám đốc BOT Tiền Giang: Nhà đầu tư không tự ý ra mức phí cầu đường

10/08/2017 15:37:00

Chủ đầu tư không có quyền tự áp đặt phí cho từng loại xe mà do Bộ Tài chính và Bộ GTVT ban hành.

Chủ đầu tư không có quyền tự áp đặt phí cho từng loại xe mà do Bộ Tài chính và Bộ GTVT ban hành.

Trao đổi với PV sáng 10/8, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang), cho biết tối 9/8, có 5 tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm Cai Lậy với mục đích kéo dài thời gian nhằm gây kẹt xe. Trong đó, có tài xế bước ra khỏi cabin và có ý định gây rối khiến xe hai bên trạm bị ùn tắc cục bộ.

Phí cầu đường do Bộ Tài chính và GTVT quy định

"Có người nói kẹt xe kéo dài 5 km là không đúng, chỉ 700 m. 5 tài xế cố tình gây kẹt xe và gây rối đã có camera ghi lại hình ảnh, biển số xe. Chúng tôi đang làm báo cáo gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhờ Công an Tiền Giang xử lý những trường hợp trên", ông Hiệp nói.

Giam doc BOT Tien Giang: Nha dau tu khong tu y ra muc phi cau duong hinh anh 1

Trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo lãnh đạo BOT Tiền Giang, qua tham khảo các chủ doanh nghiệp và lái xe thì đơn vị tiếp nhận hai thắc mắc là vị trí đặt trạm và giá vé được cho quá cao.

Về vị trí đặt trạm, ông Hiệp nói việc này đã được UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với Bộ Tài chính đồng thuận. Còn mức phí thì chủ đầu tư BOT Tiền Giang không có quyền tự áp đặt cho từng loại xe mà do hai bộ liên quan ban hành kèm theo thông tư 30/2016 của Bộ Tài chính và 35/2016 của Bộ GTVT.

"Trạm Cai Lậy thu phí 6 năm 4 tháng 29 ngày, bắt đầu từ 1/8.  Mức phí đang thu do Bộ Tài chính và GTVT ban hành, BOT không tham mưu, đề xuất để xây dựng mức giá và chúng tôi chỉ thực hiện nên không dám nói cao hay thấp", ông Hiệp chia sẻ với PV.

Giam doc BOT Tien Giang: Nha dau tu khong tu y ra muc phi cau duong hinh anh 2

Hai hướng đi từ quốc lộ 1 và đường tránh đều đổ về trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Việt Tường.

Trước thắc mắc của tài xế về việc xây dựng trạm sẽ dẫn đến "phí chồng phí", ông Hiệp nói: "Tất cả các ôtô phải đóng phí đường bộ, phí này nhằm duy tu, bảo dưỡng đường xá. Phí tại trạm Cai Lậy chỉ thu đối với 12 km đường tránh và 26,5 km quốc lộ 1, phần tăng cường mặt đường do BOT Tiền Giang quản lý".

Ùn tắc giao thông

Liên quan vụ việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết khi BOT Tiền Giang đang triển khai thì tỉnh có cảnh báo tình trạng ùn tắc tại trạm Cai Lậy vì lượng ôtô chạy trên quốc lộ 1 qua địa phương này rất nhiều. Từ đó, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp với nhà đầu tư để tránh ùn tắc.

"UBND tỉnh nhiều lần cảnh báo chứ không phải đến giờ mới nói. Trạm mới triển khai thu phí thì có thể chưa ổn định, xảy ra kẹt xe cục bộ. Tỉnh có chỉ đạo Sở GTVT cùng cảnh sát giao thông và chủ đầu tư làm sao để không cho ùn tắc, nếu ùn tắc phải xả trạm cho xe đi", ông Tuấn nói.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết so với đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM thì mức phí tại trạm Cai Lậy "hơi cao". Theo ông Bon, giá thấp nhất hiện nay là 35.000 có thể giảm xuống 25.000 đồng; cao nhất 180.000 giảm còn 150.000 đồng hoặc tỷ lệ tương ứng.

Giam doc BOT Tien Giang: Nha dau tu khong tu y ra muc phi cau duong hinh anh 3

Cảnh sát giao thông và trật tự của Công an huyện Cai Lậy tuần tra tuyến đường tài xế né trạm Cai Lậy. Ảnh: Việt Tường.

"Giảm giá vé dịch vụ đường bộ sẽ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải và để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư thì có thể kéo dài thời gian thu phí", Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng xe né trạm Cai Lậy, đi vào lộ Giồng Cát có tải trọng 10 tấn để ra quốc lộ 1 vẫn diễn ra trong ngày 10/8. Một tài xế xe dịch vụ 16 chỗ cho biết, mỗi ngày anh chạy 4 lần qua đoạn đường này, nếu né trạm sẽ tiết kiệm được 200.000 đồng.

Trao đổi với phóng viên, một cảnh sát giao thông Công an huyện Cai Lậy nói: "Chúng tôi kết hợp cảnh sát 113 tuần tra huyện lộ 63 và 67 chủ yếu là giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông chứ ít khi dừng xe. Nhiều xe né trạm mà mình dừng một chiếc xe để kiểm tra trong đường hẹp thì sẽ ùn tắc kéo dài".

Trao đổi với PV trưa 10/8, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết ngành GTVT từng tham mưu cho UBND tỉnh vị trí đặt trạm thu phí sau khi nghiên cứu các thông tư và quyết định phê duyệt dự án của Bộ GTVT. Dự án này nhà đầu tư không chỉ làm tuyến tránh mà còn thảm nhựa tăng cường quốc lộ 1, hệ thống thoát nước, sửa chữa 14 cầu trên chiều dài 26.5 km.

"Nếu nhà đầu tư chỉ làm đường tránh thì đặt trạm tại đường tránh, còn dự án này có trải nhựa tăng cường mặt đường, sửa cầu, làm hệ thống thoát nước 26,5 km trên quốc lộ nên vị trí trạm hiện nay là đúng", ông Bon nói.

Theo "tư lệnh" ngành GTVT Tiền Giang, mỗi ngày đêm có vài chục phương tiện qua lại trạm thu phí Cai Lậy nhưng chỉ có tài xế của vài phương tiện nhỏ phản đối mức thu phí và dùng tiền lẻ mua vé là không đáng kể.

"Tỉnh tiếp tục tuyên truyền để tài xế và các doanh nghiệp vận tải biết nhà đầu tư đã làm đường tránh và tăng cường mặt đường 26,5 km quốc lộ như thế nào. Giá qua trạm do Bộ GTVT và Bộ Tài chính quy định nhưng theo tôi thì nên xem xét lại để có sự hài hòa giữa các doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư", ông Bon nêu quan điểm.

Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật