Vườn nho thung lũng Nam Yên nằm bên cạnh dòng sông Cu Đê (xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang), cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng 30km. Đây là một trong những mô hình thí điểm phát triển nông nghiệp kết hợp khai thác du lịch trên địa bàn huyện Hoà Vang.
Những ngày này, nho bắt đầu cho thu hoạch quả, trở thành điểm tham quan, trải nghiệm của nhiều người dân, du khách. Được tự tay hái, thưởng thức những quả nho chín mọng ngay tại vườn khiến ai cũng thích thú.
Anh Lê Quốc Hiền, chủ vườn nho thung lũng Nam Yên, cho biết, vườn nho có diện tích khoảng 3.000m2, đang trồng 4 loại nho gồm: Hạ đen không hạt, nho kẹo, nho mẫu đơn và nho ngón tay.
Những giống nho ngoại trên được anh nhập từ Ninh Thuận để tiết kiệm thời gian thuần giống, thay vì nhập trực tiếp từ các nước có khí hậu tương đồng.
Sau 2 năm chăm sóc, gần 1.000 gốc nho của anh bắt đầu cho ra trái. Hiện nho kẹo và nho hạ đen là hai loại cho trái nhiều nhất. Tuy nhiên, ở vụ này, anh không quá chú trọng về sản lượng.
“Nho ghép chỉ cần 6 tháng đã cho trái bói, tuy nhiên việc khai thác trái trước 2 năm tuổi sẽ làm cây suy kiệt. Thời điểm tốt nhất để nho cho trái năng suất cao là từ năm thứ 3 đến năm thứ 10”, anh Hiền lý giải.
Nhận thấy vùng đất Hoà Bắc thường xuyên chịu mưa bão, lũ quét, không thể áp dụng trồng nho trong nhà kính nên anh Hiền đã nghiên cứu làm giàn thấp, theo hình chữ Y để tránh gió bão làm gãy cành, tiện cho việc chăm sóc cây, tiết kiệm chi phí, diện tích cũng như bảo vệ cảnh quan núi đồi.
Theo anh, để có những chùm nho trĩu quả, ngoài yếu tố thời tiết còn phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc.
“Trước thời điểm ra hoa, tôi bón phân, ngắt ngọn, cắt cành, lựa mắt ngủ đủ khỏe để cho hoa. Cây phải ra hoa vào thời điểm nắng dài ngày mới tăng tỷ lệ đậu trái. Việc chăm và dưỡng cây phải tuân theo đúng quy trình kỹ thuật”, anh nói.
Không giống các vùng trồng nho khác, ở Đà Nẵng, nho chỉ cho thu hoạch mỗi năm một vụ. Vì vậy, ngoài nho, anh còn trồng thêm các loại cây ăn quả khác như nhãn, măng cụt, chôm chôm, bơ, sầu riêng,... để kết hợp khai thác du lịch.
Đến nay, vườn nho của anh đã đón hàng nghìn khách đến tham quan, trải nghiệm, nhờ đó tăng thêm thu nhập.
Khách có thể tự tay hái nho, thưởng thức chùm nho chín mọng và các sản phẩm được chế biến từ nho, như nho sấy khô, rượu nho, siro nho,... với giá vé tham quan 50.000 đồng/người. Nho bán tại vườn khoảng 150.000 đồng/kg.
Trước đây, chủ vườn nho Lê Quốc Hiền vốn là giám đốc của một công ty thiết kế, thi công các công trình điện dân dụng ở TP.HCM. Đầu năm 2022, anh quyết định bỏ phố về Đà Nẵng để theo đuổi đam mê làm nông nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Trước khi bắt tay vào xây dựng vườn nho, anh đã có 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu về việc trồng nho từ các chuyên gia, nhà vườn ở Ninh Thuận, các tỉnh phía Nam và cả nhà vườn tại Pháp, Ý.
Anh Hiền đang hướng dẫn cho một nông dân khác trồng 300 cây nho theo mô hình tương tự.
Theo anh, nếu chỉ làm nông nghiệp sạch khó mang lại hiệu quả và phát triển một cách bền vững nếu không kết hợp làm du lịch, dịch vụ. Anh kỳ vọng, với sự phát triển của các mô hình du lịch sinh thái, Hòa Bắc sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách khi tới Đà Nẵng.
Theo Phòng Văn hoá thông tin huyện Hoà Vang, mô hình vườn nho thung lũng Nam Yên là một trong những mô hình du lịch sinh thái đã chứng minh được hiệu quả của việc tích hợp đa ngành vào sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp lên gấp nhiều lần theo hướng bền vững.
Theo Diệu Thùy (VietNamNet)