"Việc giải cứu dưa hấu, thịt heo... vừa qua cho thấy chúng ta bị động" - Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng nhìn nhận.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu ghi nhận năm 2016, dưới sự điều hành của Chính phủ đã có nhiều giải pháp đổi mới.
Phiên họp Thường vụ sáng nay |
Nói về thu chi ngân sách và đầu tư, ông Giàu cho rằng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại một số vấn đề nổi lên gây bức xúc cho người dân gần đây.
“Tôi chỉ nói mỗi việc giá thịt heo thôi, tôi thấy đấy là nỗi đau của chúng ta chứ! Trong khả năng của chúng ta hoàn toàn có thể dự báo, dự đoán, cảnh báo và đưa ra giải pháp tốt hơn”, ông dẫn chứng.
Ông Giàu cho rằng, việc giá thịt heo giảm chưa tính đến việc giảm GDP là bao nhiêu nhưng cái lớn hơn nữa là sự mất mát của người dân.
“Cái này mình phải nghiên cứu, khả năng tầm kiểm soát của chúng ta trong dự đoán và cảnh báo là hoàn toàn có thể làm được” - Chủ nhiệm UB Đối ngoại nhấn mạnh.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu |
Xem lại tầm quản lý vĩ mô
Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cần quan tâm tới thị trường trong nước. Việc giải cứu dưa hấu, thịt heo... vừa qua cho thấy chúng ta bị động.
"Vì sao giá heo hơi rất thấp, nhưng giá ở siêu thị không đổi. Người dân bán 20.000 đồng, siêu thị bán 100 ngàn đồng/kg?" - ông Bình thắc mắc.
"Đừng để người dân sản xuất xong phải giải cứu sản phẩm của họ, tôi rất lo vấn đề này", ông Bình nói.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nhiều cuộc giải cứu như giải cứu dưa hấu, giải cứu thịt lợn là đương nhiên vì nông dân khó khăn thì Chính phủ không thể làm ngơ được.
Ông cũng lưu ý, nếu nhiều vấn đề cần giải cứu thì cần xem lại tầm vĩ mô quản lý đã đúng chưa. Chính phủ không thể làm ngơ, nhưng cần đánh giá lại. Cấp vĩ mô như Chính phủ lại phải lao vào giải cứu thì khâu dự báo đã làm tốt chưa?
“Tôi nghĩ nếu dự báo tốt chưa chắc phải giải cứu thế này. Như thịt lợn, dưa hấu có cơ quan chuyên môn đánh giá, dự báo tình hình năm tới, thì không xảy ra chuyện như vừa qua. Đầu năm 2017 đã giải cứu mấy lần, như thế là quá nhiều”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Ông đề nghị, Chính phủ phải đánh giá lại, đầu tư chỉ đạo vĩ mô dài hơi hơn, chủ động hơn để dân đỡ khổ. Nếu tính toán, dự báo tốt sẽ hạn chế thiệt hại cho dân.
Dân chẳng sung sướng gì
Phó Chủ tịch QH cũng nhắc đến công tác quản lý đất đai và cho rằng nên rà soát.
“Qua vụ Đồng Tâm vừa rồi, rõ ràng vấn đề quản lý đất đai có vấn đề nên phải rà soát sao cho chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Quan trọng nhất để cho dân thấy chính sách của ta là đúng và có trách nhiệm”, ông Tỵ lưu ý.
Ông Tỵ cũng tỏ ra băn khoăn khi tình huống tương tự xảy ra thì xử lý thế nào, đối thoại với dân ra sao? Nếu tình hình căng mà đối thoại với dân chậm thì bất lợi, càng kéo dài thì càng tạo cơ hội cho thế lực thù địch.
Cũng quan tâm vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, đất đai chỉ là sự kiện thể hiện những vụ việc vừa qua, là điều kiện chứ không thể đổ lỗi tại dất đai.
“Nếu ta giải quyết tốt, giải trình thuyết phục thì không đến nỗi như vừa rồi. Có phải do thiếu luật pháp không, có thiếu đến mức dân phản đối như vậy không”, Phó Chủ tịch đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng |
Phó Chủ tịch QH cho rằng không phải do luật pháp thiếu mà do cách thực thi của chúng ta. Bởi thực tế tổ chức nào ta cũng có, hoàn thiện và trang bị không thiếu gì đề hoạt động, cán bộ đầy đủ mà tại sao lại để dân khổ như vậy.
"Dân cũng chẳng sung sướng gì khi phải ra đường chống đối chính quyền đâu”, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết hơn 80% khiếu nại của người dân liên quan tới đất đai, tăng so với trước đây. Qua giám sát công tác tiếp công dân, đối thoại với người dân đang không thực hiện theo luật tiếp công dân.
Bà Hải cho rằng nếu tiếp công dân tốt, đối thoại tốt thì không bao giờ dẫn tới điểm nóng, sự việc đáng tiếc. Vì vậy, bà đề nghị cần tăng cường thanh tra xử lý trách nhiệm công vụ trong tiếp công dân ở cấp xã, huyện.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)