Giá xăng giảm từ lâu, taxi không chịu giảm giá

10/06/2020 14:13:43

Giá xăng dù có tăng trong lần điều chỉnh gần đây nhưng so với năm ngoái đang khá rẻ. Trái với điệp khúc “xăng tăng giá vận chuyển tăng” thì ngay khi xăng đã rẻ, giá vé xe vẫn đứng yên.

Bức xúc vì taxi giá giữ nguyên

Trước đây, có thời điểm giá xăng dầu tăng cao thì các dịch vụ vận tải đồng loạt tăng giá; song khi giá xăng dầu giảm, giá cước dịch vụ vận tải vẫn ở mức cũ. Các doanh nghiệp vận tải rất ít khi giảm giá cước dịch vụ nếu không bị bắt buộc.

Là người thường xuyên sử dụng taxi để đi lại, chị Mai Thu Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, thời gian gần đây giá xăng giảm chỉ còn hơn 12.000 đồng/lit nhưng giá cước taxi không giảm, khiến cho khoản chi phí của chị về đi lại khá tốn.

"Công ty của mình bên Hưng Yên, có xe đưa đón cán bộ công nhân viên nhưng do đặc thù công việc, lúc cần mình phải tự bắt taxi ngoài. Chính vì thế, mỗi lần đi từ công ty về nhà cũng tốn hơn 400 nghìn đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ với thu nhập", chị cho hay.

Theo chị Thảo, trung bình cước taxi từ nhà tới công ty khoảng 480 nghìn đồng/chiều, một số hãng taxi khác có mức giá thấp hơn khoảng 450 nghìn đồng/chiều nhưng rất khó gọi xe.

Khảo sát các hãng taxi cho thấy, giá cước vận chuyển không có sự điều chỉnh. Giá cước mở cửa là 6.000 đồng, trong khi tính theo km là 11.000-14.500 đồng/km tuỳ loại taxi và từ km2 số 21 trở đi giảm xuống còn từ 9.000-12.000 đồng/km. Lần điều chỉnh giá của taxi cách đây đã khá lâu. 

Giá xăng giảm từ lâu, taxi không chịu giảm giá
Giá cước vận chuyển điều chỉnh mặc dù xăng giảm

Tại TP.HCM và các tỉnh thành khác, giá cước taxi cao hơn Hà Nội. Hiện, một hãng taxi tại TP.HCM đã có sự điều chỉnh giá. Doanh nghiệp này giảm giá cước với 2 loại xe (xe 4 chỗ và xe 7 chỗ), mức giá giảm trung bình 1.000-1.500 đồng/km. Cụ thể, giá cước bình quân trong phạm vi 30 km đầu đối với xe 4 chỗ giảm từ 15.5000 xuống còn 14.000 đồng/km; taxi 7 chỗ từ 17.000 giảm còn 15.500 đồng/km.

Tương tự, anh Vũ Công Học (Nam Định), người thường xuyên sử dụng dịch vụ đi lại từ Hà Nội về Nam Định cho hay, giá xe khách Limousine cũng không có sự điều chỉnh. Thời điểm giá xăng tăng, nhà xe tăng giá lên 100.000 đồng, sau đó lại thêm 5.000 đồng, nay giữ nguyên mức giá đó. Trong khi, giá xăng gần đây có thời điểm giảm xuống gần một nửa so với trước. Từng thắc mắc với nhà xe về vấn đề này, anh Học nhận được câu trả lời do lượng khách ít hơn trước đây, nhà xe phải giữ giá để bù chi phí.

Không chỉ giá dịch vụ vận chuyển hành khách đứng yên mà cước ship hàng cũng không có sự điều chỉnh. Chị Nguyễn Thanh Nga (chủ một shop hàng Nhật nhập khẩu) cho hay, mỗi đơn hàng chị vận chuyển hiện nay nội thành Hà Nội vào khoảng 30.000-40.000 đồng. So với cao điểm như Tết, cước ship hàng không giảm dù xăng giảm.

Hiện chị Nga không dùng dịch vụ giao hàng ngay mà chuyển sang ship hàng trong ngày để giảm chi phí cho khách. “Nếu giao ngay có khi lên tới cả trăm nghìn đồng, trong khi giao trong ngày hoặc sang hôm sau chỉ 20.000-30.000 đồng trong nội thành”, chị Nga nói.

Tương tự, giá cước vận chuyển của taxi công nghệ cũng chưa có sự điều chỉnh. Trung bình giá cước của 'xe ôm' công nghệ vẫn là 12.000 đồng cho 2km đầu tiên, 3.500 đồng hoặc 4.000 đồng tùy địa phương cho các km tiếp theo. Trong khi taxi công nghệ 4 chỗ vẫn là 25.000 đồng cho 2km đầu tiên và 8.000 - 9.000 đồng cho mỗi km tiếp theo tại Hà Nội.

Giá xăng giảm từ lâu, taxi không chịu giảm giá - 1
Dù giá xăng giảm thời gian dài, giá cước taxi công nghệ vẫn chưa được điều chỉnh

Tăng nhanh khó giảm

Việc xăng giảm giá rất mạnh nhưng giá cước dịch vụ vận tải chưa giảm khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Trước đây, đã có một số lần khi giá xăng tăng thì giá cước vận tải cũng tăng theo, thậm chí có thời điểm còn tăng từ 20-30%.

Như vào tháng 4/2019, khi giá xăng RON 95 tăng lên hơn 21.000 đồng mỗi lít thì giá phần lớn các dịch vụ vận tải cũng tăng chóng mặt. Hiện tại, khi giá xăng dầu đã giảm so với thời điểm đó khoảng 10.000 đồng/lít nhưng giá cước vận tải vẫn giữ nguyên.

Khi nhắc đến việc giá xăng dầu giảm mà giá cước chưa giảm, đại diện một hãng taxi lý giải, khó giảm giá được cước vận tải ở thời điểm này. Đó là bởi lượng khách hàng đi lại giảm so với thời điểm trước dịch, các hãng taxi mới chỉ hoạt động trên 50% lượng xe. Thu nhập khó khăn, nhiều lái xe đã bỏ việc về quê.

Hãng này chỉ tính tới việc giảm giá cước khi hết dịch, lượng khách đi lại ổn định. “Chỉ có mỗi giá xăng giảm trong khi thời điểm này, gánh nặng chi phí của doanh nghiệp là rất lớn. Vì thế chúng tôi không thể tính đến việc hạ giá cước", ông nói.

Hãng xe tại TP.HCM cho biết, sau gần 1 tháng tạm ngưng hoạt động ước tính thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn cố gắng duy trì trả lương cho nhân viên, hỗ trợ cho lái xe và giảm giá cước taxi từ ngày 8/5. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tốn thêm chi phí xịt khử trùng trong và ngoài xe mỗi ngày. 

Giá xăng giảm từ lâu, taxi không chịu giảm giá - 2
Nhiều doanh nghiệp kêu khó giảm (Ảnh:D.A)

Theo Hiệp Hội vận tải ôtô Việt Nam, chưa có số lượng thống kê chính thức nhưng ước tính doanh thu ngành vận tải giảm 50% tuỳ từng loại hình. Nặng nhất là xe hợp đồng du lịch, gần như để không. Taxi cũng khốn khổ không kém. Các xe tuyến cố định khác cũng giảm mạnh...

Trao đổi trên báo chí, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó vì Covid-19. Lượng khách sụt giảm từ 60-70% trong vòng 2 tháng trở lại đây. Giá xăng dầu giảm mà không ai đi thì cũng không thể giảm cước được.

Theo ông Hùng, hiện chỉ có mỗi giá xăng dầu giảm khiến doanh nghiệp “đỡ" một phần, còn lại mọi chi phí khác vẫn phải “è cổ" lo trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu. Ngoài ra, có những khoản chi phí khác phát sinh vào mùa dịch như phí bảo hộ lao động, khẩu trang, dung dịch rửa tay, phun khử khuẩn liên tục.

Anh Nguyễn Văn Tùng, một lái xe công nghệ, than thở, gánh nặng với những lái xe như anh là phải trả lãi ngân hàng. Trước Tết, anh Tùng có vay mua xe để hoạt động taxi công nghệ, hoạt động chưa được bao lâu thì bị ảnh hưởng bởi dịch.

“Xăng có giảm mà không có khách thì chúng tôi lấy đâu để bù chi phí . Nguồn thu chính từ khách đi tỉnh lễ hội sau Tết và khách sân bay thì giờ đây gần như không có. Nếu mà giảm giá cước vận chuyển nữa thì lái xe như chúng tôi sẽ phải bỏ nghề”, anh cho biết.

Mặc dù các doanh nghiệp viện dẫn các lý do khó giảm giá cước, song cũng có chuyên gia kinh tế cho rằng, xăng dầu là sản phẩm hàng hóa đặc biệt tác động đến đầu vào của nhiều mặt hàng. Khi giá xăng tăng, giá dịch vụ mặt hàng ngay lập tức tăng. Nhưng khi giá xăng giảm, thậm chí giảm sâu, giá dịch vụ không thay đổi là bất cập. “Tăng dễ khó giảm” là câu chuyện cần phải có sự quản lý của cơ quan chức năng.

Theo Nam Việt (VietNamNet)