Theo quy định, xăng dầu trong nước được điều chỉnh vào ngày 1/9, tuy nhiên, do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày nên thời điểm điều chỉnh sẽ được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ.
Theo đó, 15h chiều 5/9, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 giảm 430 đồng, về mức 24.230 đồng; xăng E5 RON 92 có giá mới là 23.350 đồng, giảm 370 đồng.
Trong khi đó, giá dầu lại tăng cao. Cụ thể, mỗi lít dầu diesel sẽ tăng 1.430 đồng/lít, lên 25.180 đồng/lít. Dầu hỏa cũng tăng 1.390 đồng, lên 25.440 đồng/lít. Riêng dầu mazut lại giảm 470 đồng, về 16.070 đồng/kg.
Như vậy, đây là kỳ điều chỉnh đầu tiên đưa giá dầu diesel vượt giá xăng trong khi trước đây mặt hàng này bao giờ cũng thấp hơn giá xăng vài nghìn đồng.
Tính đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 9 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đang ở quanh mức 23.000-24.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào đầu năm.
So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.640 đồng; E5 RON 92 hạ 7.950 đồng; dầu diesel giảm hơn 4.770 đồng.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 là 493 đồng/lít. Đồng thời chi quỹ với dầu diesel 300 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít.
Thị trường xăng dầu trong nước từ sau kỳ điều hành ngày 22/8 đến nay có nhiều xáo trộn, khi nguồn cung hàng khan hiếm cục bộ, loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa. Đại diện các cửa hàng lý giải là doanh nghiệp đầu mối không cấp hàng hoặc cấp số lượng ít; chiết khấu 0 đồng trên mỗi lít xăng dầu khiến họ thua lỗ.
Trước tình trạng nhiều cây xăng tại các địa phương đóng cửa, hết hàng, Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn công tác do 3 thứ trưởng phụ trách, kiểm tra tình hình xăng dầu tại các địa phương.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp xăng dầu, Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Do giá xăng dầu tăng cao nên mức hạn mức tín dụng của các năm trước chỉ còn tương đương với 50-70% lượng nhập khẩu theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Đồng thời, Tổ điều hành cũng đề nghị sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
"Đây cũng là vấn đề đã được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Nếu giải quyết được khó khăn này sẽ gỡ khó được rất nhiều cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu", lãnh đạo Tổ điều hành nhìn nhận.
PN (Nguoiduatin.vn)