Giá tăng mạnh, nhiều thách thức đang đặt ra cho cơ quan quản lý trong việc điều hành giá xăng dầu sắp tới để ổn định thị trường, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Doanh nghiệp viết tâm thư
Ông Nguyễn Văn Chánh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết có nhận được nhiều tâm thư cũng như khó khăn của doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Ông Chánh cho rằng mong muốn chung là giá xăng dầu ổn định trong một thời gian bởi mỗi lần biến động, doanh nghiệp và đối tác phải đàm phán, điều chỉnh hợp đồng.
"Việc tăng giảm chi phí xăng dầu tác động đến chi phí doanh nghiệp vận tải và chủ hàng. Tuy nhiên, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng" - ông Chánh nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giám đốc Công ty taxi Nguyên Minh - cho biết mặc dù thường xuyên theo dõi thông tin thị trường, nắm thông tin các chính sách nhưng việc tăng giá xăng thêm tới gần 1.500 đồng/lít vẫn gây khá nhiều bất ngờ.
Dù doanh nghiệp chưa có ý định điều chỉnh ngay giá vận tải kỳ này, nhưng với mức tăng mạnh, ông Minh cho biết đã làm lợi nhuận giảm tới 30 - 40%, nên nếu xu hướng giá vẫn tiếp tục tăng trong kỳ tới thì buộc doanh nghiệp phải tăng giá vận tải.
"Chúng tôi trăn trở là vấn đề minh bạch trong tính giá, sử dụng quỹ thế nào, cách điều hành có linh hoạt, phù hợp không, chứ tại sao lại để giá tăng quá sốc như vậy. Cần phải có truyền thông về biến động giá xăng dầu và công khai, minh bạch hơn trong điều hành" - ông Minh đặt vấn đề.
Theo ông Đức - lãnh đạo của Công ty vận tải hàng hóa Đường Việt (huyện Bình Chánh, TP.HCM), hiện một chuyến xe chở cuộn tôn từ cảng VICT (quận 7) đi huyện Bến Lức (tỉnh Long An) chi phí khoảng 1,5 triệu đồng. Với giá hiện nay doanh nghiệp phải trả hơn 600.000 đồng tiền dầu, tiền lương tài xế cho mỗi chuyến hàng 200.000 đồng và các thuế, phí cầu đường khác, ông Đức nhẩm tính doanh nghiệp chỉ hòa vốn.
Để thích ứng, doanh nghiệp phải thỏa thuận với chủ hàng tăng chi phí vận chuyển lên 100.000 đồng/chuyến. "Tuy nhiên, việc này cũng chưa nhận được nhiều chia sẻ, đồng ý của chủ hàng" - ông Đức nói.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thanh - giám đốc Công ty vận tải hàng hóa Kim Phát, quận 12, TP.HCM - cho biết phải từ chối nhiều đơn hàng vì không thể kham nổi khi chi phí không cân bằng mà chỉ chọn những đơn hàng vừa phải để cầm cự giai đoạn này. "Chúng tôi cũng đang xem xét, trao đổi thêm với đối tác để tăng chi phí vận chuyển từ 100.000 đồng/chuyến" - ông Thanh nói.
Cần sửa quy định?
Trong khi giá xăng dầu đang có xu hướng tăng tạo áp lực lớn lên giá cả hàng hóa thì số dư quỹ bình ổn được một số doanh nghiệp thông báo hiện còn rất mỏng. Đây cũng là áp lực cho việc điều hành giá sắp tới.
Góp ý cho cơ chế điều hành giá xăng dầu, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia tài chính - cho rằng cần xem lại giá xăng dầu trong nước, do hiện nay Việt Nam đã tự chủ sản xuất được 80 - 90% nhu cầu. Nên căn cứ điều chỉnh xăng dầu trong nước không thể hoàn toàn theo giá xăng dầu nhập khẩu nữa.
Thực tế, cách điều hành có độ trễ nên điều bất cập thấy rõ là lần điều chỉnh gần đây nhất, chúng ta tăng mạnh giá xăng dầu trong khi giá xăng dầu thế giới lại đang có xu hướng giảm. "Khi chúng ta tự chủ đến 80 - 90% thì không thể căn cứ vào giá nhập khẩu để điều hành như khi chúng ta nhập khẩu gần như toàn bộ được" - ông Ánh đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng theo quy định của nghị định 83/2014, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì sử dụng công cụ là quỹ bình ổn để giữ ổn định giá. Tuy nhiên, vấn đề là sử dụng quỹ ở mức nào, điều chỉnh cho phù hợp để làm sao cân đối nguồn thu, chi của quỹ đảm bảo tính bền vững.
Bởi theo ông Thỏa, nguyên tắc điều hành xăng dầu của nghị định 83/2014 là vẫn phải tuân theo thị trường và chỉ sử dụng quỹ trong trường hợp bất thường. "Thực tiễn thời gian qua điều hành có đúng quy định hay không, cần phải tổng kết xem lại" - ông Thỏa nói.
Đề nghị bỏ lợi nhuận định mức
Một chuyên gia kinh tế (đề nghị không nêu tên) cho rằng trong giá 1 lít xăng có đến gần 30% là tiền thuế, phí. Khi giá tăng mạnh, rất cần tính toán hài hòa lợi ích, trong đó quỹ bình ổn và việc tăng giá đều sử dụng nguồn lực người dân. Do đó, cần tính đến sự chia sẻ của Chính phủ qua thuế, phí khi sửa nghị định 83.
Mặt khác, để công bằng với các ngành kinh doanh khác, cùng với điều hành sát diễn biến thị trường, Nhà nước cần sớm bỏ mức lợi nhuận định mức xăng dầu. Với cơ chế thị trường, không thể tồn tại chính sách bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên lãi 300 đồng được.
Giá xăng tăng làm CPI tháng 4 tăng 0,33%
Theo bà Đỗ Thị Ngọc - quyền vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), với mức tăng giá xăng hơn 8% ngày 2-4 sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,33% trong tháng 4. Đối với lạm phát kỳ vọng thì còn phải theo dõi, tính toán trong thời gian tới bởi phụ thuộc vào diễn biến giá của kỳ điều hành cuối tháng 4.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết đến cuối tháng 4 mới có số liệu tổng hợp số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu. Về cơ chế điều hành xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính cho hay hiện Chính phủ giao Bộ Công thương đánh giá tổng thể việc thực hiện nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu để xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Vận chuyển hành khách chịu áp lực lớn
Trong khi nhiều doanh nghiệp vận tải xin tăng cước phí thì một số doanh nghiệp vận chuyển hành khách lớn vẫn cho biết đang theo dõi tình hình, cân đối chi phí và chưa tính đến chuyện tăng giá vé.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc của một công ty vận chuyển hành khách lớn tại Việt Nam khẳng định việc điều chỉnh giá vừa rồi làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô hoạt động hàng ngàn chuyến/ngày. Tuy nhiên, mỗi lần đề xuất tăng giá vé tốn rất nhiều thủ tục và thay đổi toàn bộ hệ thống theo dõi bằng phần mềm, trong khi xăng dầu lúc tăng, lúc giảm nên doanh nghiệp chưa tính đến việc tăng giá.
Theo Nhóm PV (Tuổi Trẻ)