Sau khi xăng RON92 chính thức được “khai tử” từ đầu tháng 1.2018, 2 mặt hàng được lưu hành chính trên thị trường bao gồm xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON95. Tuy nhiên, qua hai kỳ điều hành đầu tiên của năm 2018, giá xăng RON95 liên tục tăng giá mạnh chạm gần con số 21.000 đồng/lít. Thời điểm này những hạn chế của quỹ bình ổn xăng dầu bắt đầu bộc lộ.
Xả quỹ bình ổn theo... 'lý trí'
Sự tăng giá của RON 95 đã khiến cho giá bán xăng RON95 cao hơn nhiều so với xăng sinh học E5 RON92 từ 1.850 - 2.050 đồng/lít. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng E5 RON92 đang được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) trong khi giá xăng RON95 điều hành theo thị trường, không sử dụng BOG và điều chỉnh tăng giá theo giá thế giới.
Điều này dấy lên nghi vấn cơ quan điều hành muốn tạo cách biệt như vậy để xăng E5 được tiêu thụ mạnh hơn. Đồng thời, việc RON95 không được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cũng như không được công bố giá cơ sở như E5 hay RON92 trước đây khiến nhiều người e ngại tính minh bạch trong việc điều hành giá.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá - cho biết: “Về chi sử dụng quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu đã có thông tư quy định rồi nhưng ở đây có thể cơ quan quản lý muốn tăng xả quỹ cho E5 để khuyến khích sử dụng. Nhưng như thế không ổn bởi các loại xăng có biến động thì phải sử dụng quỹ để không biến động quá nhiều. Việc xả quỹ với mặt hàng này mà không xả với mặt hàng kia khiến chênh lệch tới 2.000 đồng/lít là không nên”.
Trên thực tế, việc chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên gia trong vài năm trở lại đây. Ngay một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tuần qua cũng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm bất cập của quỹ này.
Cụ thể, trong kết luận vừa được công bố cuối tuần qua, Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG theo Nghị định 83 là cần thiết. Bởi quỹ này đóng vai trò là một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết giá xăng dầu trong nước trong trường hợp xăng dầu thế giới có biến động.
Trong 47 kỳ điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015 - 2016 do Bộ Công Thương công bố, mức trích lập quỹ BOG trong giá cơ sở như sau: Có 3 kỳ trích mức quỹ cao hơn 300 đồng/lít, 1 kỳ mức quỹ trích BOG thấp hơn 300 đồng/lít, 43 kỳ điều hành còn lại mức quỹ trích BOG ổn định 300 đồng/lít.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc trích quỹ BOG vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, khi giá cơ sở tăng so với kỳ trước điều hành giá vẫn thực hiện trích quỹ và chi quỹ BOG. Như vậy với cách điều hành giá theo quy định hiện hành sẽ làm cho giá xăng dầu vẫn tăng sau khi thực hiện điều hành giá và thực tế nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn còn tồn quỹ BOG với giá trị lớn sau khi điều chỉnh tăng giá.
Để khắc phục tình trạng này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị chỉ trích quỹ BOG khi giá giảm để giá vẫn ổn định (bình ổn giá) và tạo nguồn cho quỹ, khi giá tăng không trích (để không làm tăng giá - đạt mục đích bình ổn giá) và sẽ dùng quỹ bình ổn để bù đắp, khi thiếu quỹ khi đó mới tăng giá.
“Tuy nhiên, cũng cần phải cân đối mức chi sử dụng quỹ không nên ở mức quá cao, thời gian chi không nên kéo dài, vì điều này sẽ dẫn đến giá bán trong nước thoát ly giá thế giới, nhanh cạn quỹ và khi đó buộc phải tăng giá” - Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
'Nên dẹp đi từ lâu'
Trả lời PV, TS Nguyễn Minh Phong - một chuyên gia từng nhiều lần lên tiếng đề xuất bỏ hẳn quỹ bình ổn giá - cho rằng: “Nói bất ổn, bất cập là còn nhẹ đấy. Thứ nhất, quỹ bình ổn giá xăng dầu thực sự không giống ai cả. Thời xưa chúng ta có quỹ bình ổn dùng cho cả nước, lấy lãi của mặt hàng này để bù các mặt hàng khác nhưng riêng quỹ bình ổn giá xăng dầu thì “ông này” chả giống ai cả”.
Nói thêm về những bất cập của quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Phong cho rằng: “Quỹ bình ổn này có nguồn tiền là từ người tiêu dùng, lấy tiền của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng nhưng lại qua một loạt cơ chế phức tạp, rất dễ thất thoát vì không hình thành quỹ tập trung mà chỉ là ghi sổ rồi báo cáo thôi, rất khó kiểm soát”.
“Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn không bình đẳng ở chỗ, ông chỉ đạo nay xả đi bằng từng này nhưng đó là về mặt lý trí của ông quản lý, nhưng 11 ông đầu mối lại khác nhau, không thể đồng bộ được, xin cho là rất mệt. Cuối cùng, như tôi đã nói đây vẫn tiền của dân và trả qua lại như vậy dân chẳng có lợi gì. Ngay cả thị trường cũng không có lợi bởi việc xả và trích quỹ làm cho giá xăng dầu méo mó, không đúng với giá thị trường nữa. Quỹ này nên dẹp từ lâu rồi” - ông Phong nhấn mạnh.
Trước đó, việc có nên tiếp tục duy trì quỹ BOG xăng dầu không là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Tại một cuộc họp báo của Chính phủ hồi năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định hoàn toàn có thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng sẽ cần lựa chọn thời điểm thích hợp để quyết định.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí trước đó, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng cần có dự phòng cho tình huống xấu. Tuy nhiên, dự phòng lấy từ nguồn nào rất quan trọng. Điểm bất cập hiện nay trong trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chính là nguồn trích quỹ hiện chỉ thu từ phía người dân, trong khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không phải trích nộp một đồng nào dù được hưởng mức lợi nhuận định mức cố định 300 đồng/lít (dù bất kể giá xăng dầu trong nước lên xuống thế nào).
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nói là lập ra để bình ổn giá vì người dân nhưng thực tế việc điều hành quỹ hiện không có đại diện người dân nào cả. Người dân không biết việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện ra làm sao, việc công khai minh bạch như thế nào? Cho nên Nghị định 83 cần được bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Một số chuyên gia khác cũng kiến nghị cần cẩn trọng trong quản lý; nếu không, các doanh nghiệp có thể “lợi dụng” Quỹ BOG. Tốt nhất, cần có sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Theo Lâm An (Lao Động)