Trao đổi với PV, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng dầu trong nước có nhiều khả năng được điều chỉnh giảm tại phiên điều hành diễn ra hôm nay (6/3).
“Giá xăng dầu thế giới hiện có xu hướng giảm nên giá xăng trong nước có cơ hội giảm. Tuy nhiên mức giảm còn phụ thuộc vào mức trích sử dụng quỹ bình ổn”, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở phía Nam cho hay.
Theo vị này, nếu cơ quan quản lý giữ nguyên mức chi sử dụng quỹ bình ổn như kỳ điều chỉnh trước thì giá xăng có thể điều chỉnh giảm 300-400 đồng/lít. Trong trường hợp, cơ quan quản lý ngưng sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng nhiều khả năng sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại.
Tại kỳ điều hành gần nhất diễn ra hôm 18/2, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng nhẹ sau 3 kỳ điều hành liên tiếp được giữ ổn định từ đầu năm 2017. Cụ thể, giá xăng RON 92 được phép tăng 504 đồng/lít lên mức tối đa 18.098 đồng/lít và xăng sinh học E5 tăng 496 đồng/lít lên 17.818 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel tăng 238 đồng/lít lên mức tối đa 14.305 đồng/lít và dầu hỏa tăng 238 đồng/lít lên 12.758 đồng/lít. Dầu mazut được điều chỉnh tăng 117 đồng/kg lên 11.323 đồng/kg.
Hiện mức chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng khoáng và xăng sinh học E5 giảm xuống còn 300 đồng/lít, với dầu diesel và dầu hỏa, dầu mazut vẫn giữ nguyên 0 đồng/lít.
Theo dữ liệu giá thành phẩm trên thị trường Singapore được Bộ Công Thương công bố, giá xăng RON 92 bình quân ở mức 66,2 USD/thùng, giảm gần 2 USD/thùng so với so với chu kỳ trước (68,065 USD/thùng).
Liên quan tới điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính công bố dự thảo dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000 - 8000 đồng so với khung thuế cũ là 1.000 - 4.000 đồng trong dự thảo mới được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 - 4.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng E5, E10 có thể ở khung mức thuế từ 2.700 - 7.200 đồng/lít và 2.500 - 6.800 đồng/lít…
Theo đánh giá của ban soạn thảo, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu nhằm tạo dư địa mức thuế để điều chỉnh, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế….
Trong một công văn tham gia ý kiến gửi lên Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết “thống nhất cao với chủ trương sửa đổi, bổ sung luật thuế Bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính”.
Tuy nhiên, bản dự thảo ngay sau khi được công bố đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khung thuế được đưa ra là mức quá cao.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên mức rất cao và không phù hợp ngay thời điểm đầu năm 2017. Ông Cung cũng cho rằng: "Đây là cách điều hành chỉ nhìn vào việc thuận lợi trong quản lý của bộ máy chứ chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp".
Ông Long cho rằng, việc nâng lên khung áp thuế 3.000 - 8.000 đồng/lít gây “sự ngỡ ngàng, và cảm nhận gần như là cú sốc”.
Vấn đề minh bạch cũng được TS Lê Đăng Doanh đặt ra. Theo ông, Thủ tướng đã nói chi tiêu ngân sách phải công khai rõ ràng vì tiền của dân. Thuế môi trường cũng vậy, không thể thu nhưng cuối cùng không chi cho môi trường, điều này không đúng mục đích mà chúng ta nói.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ 2011 đến 2016, chiếm tỷ trọng từ 1,5% đến 4,1% trong tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm tỷ trọng từ 0,3-0,9% trên GDP hàng năm. Thời điểm thu thuế bảo vệ môi trường năm 2015 tăng lên đáng kể so với thu năm 2014, đưa tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường/tổng thu nội địa chiếm 3,65% cũng được lý giải do từ tháng 5/2015 thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất đối với xăng dầu.
Theo Phương Dung (Dân Trí)