Đó là câu hỏi “cắc cớ” của anh Thành, công nhân một nhà máy chuyên đóng thùng ôtô ở khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM, đặt ra khi thấy báo chí mấy ngày qua đồng loạt đăng tải thông tin “ai cũng biết” về việc tăng giá vé xe tết 2018. Theo anh Thành, sở dĩ anh dùng từ “ai cũng biết” là vì cả chục năm nay, việc tăng giá xe tết khá “ổn định” – nghĩa là đăng cũng được, đăng cũng chả lợi chi nhiều. Thế nhưng, ít khi nào báo chí đặt câu hỏi dựa trên cơ sở nào để cho ra một mức tính như thế.
Lâu nay, các doanh nghiệp thường lý giải việc tăng giá xe tết là để bù chi phí cho chiều chạy rỗng, nếu không tăng giá nhà xe bị lỗ, không chạy, lấy đâu ra phương tiện phục vụ bà con ăn tết...
Dân nghe riết điệp khúc này cũng thành quen, nên ít ai đặt câu hỏi tại sao các dịp lễ nhà xe cũng chạy rỗng chiều ngược lại, nhưng chỉ tăng kịch khung có 40%, còn tết những 60%? Kế đến, việc cho rằng tăng giá để bù “chiều chạy rỗng” chỉ có thể thuyết phục được đối với các tuyến xe chạy Nam – Bắc, còn các tuyến gần như TP.HCM – đồng bằng sông Cửu Long hay TP.HCM đi các tỉnh Nam Trung bộ, có vẻ nhà xe đang tính toán sai, gây thiệt thòi cho người dân. Dẫn chứng là các tuyến TP.HCM về các tỉnh miến Tây và ngược lại, lúc nào cũng tấp nập chứ không hề ế khách như các lý giải của nhà xe.
Nhiều ý kiến cho rằng không khó để trả lời câu hỏi giá vé tết cứ đến hẹn lại tăng, bởi đây là dịp dễ hốt bạc nhất trong năm của các nhà xe chạy tuyến gần. Một nhà xe chạy tuyến TP.HCM – Rạch Giá hồi tết năm ngoái, từng tâm sự nhiều lúc cũng thấy làm vậy là “trục lợi”, nhưng nếu mình không tăng giá cao như các nhà xe khác là coi chừng bị “xử” liền, bởi lúc đó họ sẽ “vu” cho mình tội phá giá, cạnh tranh không lành mạnh…
Tin rằng, chính các đơn vị quản lý xe cộ ngày tết am hiểu và nắm được những góc khuất trong câu chuyện tăng giá “mặc định” trên, chứ không ai khác.
Các tuyến từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía Bắc và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum
Phụ thu không quá 20% từ ngày 12.12 âm lịch đến hết ngày 16.12 âm lịch (nhằm ngày 28.1.2018 đến ngày 1.2.2018)
Phụ thu không quá 40% từ ngày 17.12 đến hết ngày 19.12 âm lịch (nhằm ngày 2.2.2018 đến hết ngày 4.2.2018)và mùng 1 đến hết mùng 3 tết (nhằm ngày 16.2.2018 đến ngày 18.2.2018)
Phụ thu không quá 60% từ ngày 20.12 đến hết ngày 30.12 âm lịch (nhằm ngày 5.2.2018 đến ngày 15.2.2018)
Các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và tỉnh Dăk Lăk, Dăk Nông, Lâm Đồng
Phụ thu không quá 20% từ ngày 15.12 đến hết ngày 19.12 âm lịch (nhằm ngày 31.1.2018 đến ngày 4.2.2018)
Phụ thu không quá 40% từ ngày 20.12 đến hết ngày 23.12 âm lịch (nhằm ngày 5.2.2018 đến hết ngày 8.2.2018)và từ mùng 1 đến hết mùng 4 tết (nhằm ngày 16.2.2018 đến ngày 19.2.2018)
Phụ thu không quá 60% từ ngày 24.12 đến hết ngày 30.12 âm lịch (nhằm ngày 9.2.2018 đến ngày 15.2.2018)
Các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận
Phụ thu không quá 20% từ 20.12 đến hết ngày 23.12 âm lịch (nhằm ngày 5.2.2018 đến hết ngày 8.2.2018) và từ mùng 1 đến hết mùng 4 tết (nhằm ngày 16.2.2018 đến ngày 19.2.2018)
Phụ thu không quá 60% từ ngày 24.12 đến hết ngày 30.12 âm lịch (nhằm ngày 9.2.2018 đến ngày 15.2.2018)
Các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Phụ thu không quá 40% từ ngày 26.12 đến hết mùng 7 tết (nhằm ngày 11.2.2018 đến hết ngày 22.2.2018)
Các tuyến thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai
Phụ thu không quá 40% từ ngày 26.12 đến hết mùng 6 tết (nhằm ngày 11.2.2018 đến hết ngày 21.2.2018)
Theo Quân Minh (Dân Việt)