Một tuần trước, giá vé máy bay tuyến TP.HCM - Thanh Hóa khoảng 2 triệu đồng/lượt, nay giá vé chặng này tăng lên gần 3,5 triệu đồng, mà còn khó mua khiến nhiều khách hàng hốt hoảng.
Các chuyến bay từ TP.HCM đi Thanh Hóa đã báo hết vé trong cả tuần đầu tháng 10. Ảnh chụp màn hình. |
Mức giá này so với vé anh Nghĩa mua cho tuyến Thanh Hóa - TP.HCM đúng 1 tuần trước đó, đã tăng hơn 1,5 triệu đồng.
Không chỉ tuyến TP.HCM - Thanh Hóa có giá vé tăng khó hiểu, theo tìm hiểu, nhiều tuyến bay nội địa của các hãng hàng không khác như TP.HCM -Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng và các tuyến ngược lại đều có giá cao hơn nhiều so với thông thường, dù đang trong mùa thấp điểm.
Trao đổi với Zing.vn, anh Trọng Hiếu, chủ một đại lý vé máy bay tại Hà Nội, cho biết vài ngày gần đây, giá vé các chặng bay nội địa của tất cả các hãng hàng không tăng cao bất thường. Anh Hiếu cho biết nguyên nhân chính dẫn tới việc các hãng tăng giá vé do số lượng chuyến bay của một số hãng bất ngờ giảm so với kế hoạch ban đầu.
“Đang là mùa thấp điểm về di chuyển nhưng giá vé máy bay tuyến Hà Nội -TP.HCM, TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại hạng thấp nhất cũng trên dưới 3 triệu đồng, đắt gấp đôi so với mọi năm. Thậm chí, cuối tuần giá vé có thể còn tăng thêm vài trăm nghìn đồng mỗi chiếc”, anh Hiếu cho hay.
Nhiều chuyến bay của Vietjet cũng bán hết vé sớm. Ảnh chụp màn hình. |
Nếu tính từ giữa tháng 9 đến nay, giá vé máy bay đã tăng khoảng 20-30% ở tất cả các chặng.
Thực tế, Jetstar Pacific đang phải hủy một số chuyến bay từ nay đến Tết, do thiếu hụt đội bay. Hãng buộc phải thay đổi tạm thời một số chuyến bay và chuyển khách hàng sang cho Vietnam Airlines, ảnh hưởng tới số lượng chuyến bay và khiến người không có vé.
Phía Jetstar Pacific cho biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng này do một số phi công của hãng phải nghỉ ốm, làm ảnh hưởng đến lịch khai thác trong thời gian gần đây. Nhiều chuyến bay đã bị chậm giờ so với lịch khởi hành, thậm chí phải huỷ chuyến, vì không bố trí được người lái.
Không phải mùa cao điểm nhưng giá vé máy bay nhiều tuyến đã tăng chóng mặt trong 1 tuần vừa qua. Ảnh chụp màn hình. |
Chị T. Quỳnh (Hà Nội), khách hàng thường xuyên của Vietjet Air trên chặng TP.HCM - Hà Nội, cho hay giá vé lần gần nhất chị bay chặng này ngày 1/10 đã tăng thêm khoảng 200.000 đồng so với mức trung bình chị bỏ ra những lần bay trước.
"Mình hay đặt qua phòng vé quen nên cũng được họ chia sẻ về lý do giá vé tăng. Mình nghĩ nếu thực chất là cung cầu thì cũng hợp lý. Tuy nhiên, hãng nên tính lại kỳ cao điểm, thấp điểm để năm sau không xảy ra tình trạng tượng tự", chị Quỳnh chia sẻ.
Một nhân viên phòng vé khác thì cho biết một số hành trình của hãng giá rẻ bị huỷ chuyến. Nhân viên này khuyên khách nên dời sang chuyến khác, giờ khác. Bên cạnh đó, các phòng vé cũng khuyến cáo với khách bay về mô hình overbooking (bán nhiều vé máy bay hơn số ghế trên máy bay) mà các hãng hàng không đang áp dụng.
Trong khi nhiều phòng vé cho rằng vé máy bay tăng nhẹ trong thời gian gần đây là do hãng hàng không giảm số lượng máy bay, các hãng lại phủ nhận thông tin này. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo thông báo của các phòng vé, hiện các hãng đều overbook 10-20 chỗ. Do đó, phòng vé khuyến cáo hành khách nên có mặt trước 120 phút để làm thủ tục, mang theo đầy đủ giấy tờ hợp lệ, kiểm tra kỹ tên tuổi ghi trên vé nhằm tránh trường hợp bị từ chối bay.
Tuy nhiên, đại diện các hãng hàng không khẳng định thông tin mà các đại lý đưa ra là không đúng sự thật.
Giá vé được điều chỉnh tăng giảm không phải vì những nguyên nhân trên, mà do quy luật cung cầu tự điều tiết của thị trường, cũng như tuân thủ quy định về giá của Cục Hàng không. Các hãng khẳng định không có chuyện hãng giảm chuyến để ép giá vé.
Cụ thể, đại diện Vietjet Air cho rằng hãng không đưa ra thông báo chính thức vì giá vé giai đoạn này không hề tăng. Giá nếu tăng cao là do khách hàng mua sát giờ, vì vé được bán theo cơ chế càng sát giờ, ít chỗ thì càng đắt.
Cũng theo vị này, việc hãng giảm chuyến bay đều đã nằm trong kế hoạch dựa theo chu kỳ hàng năm, dẫn đến mật độ chuyến giảm so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, năm nay có thể nhu cầu tăng cao đột biến trong dịp thấp điểm, nên kéo giá vé lên cao theo quy luật cung cầu.
Trước đó, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã thông báo bắt đầu từ 27/9, vé máy bay nội địa dịp Tết nguyên đán 2018 đã được hai hãng hàng không này cung ứng, với tổng số khoảng 2 triệu vé, và cam kết không tăng giá.
Ngày 26/9, Vietjet Air cũng đã công bố tung hơn 1,2 triệu vé máy bay "giá 0 đồng" nhân dịp Tết Nguyên đán 2018 trong 3 ngày siêu khuyến mại 27, 28, 29/9, vào khung giờ vàng 12-14h. Tuy nhiên, nhiều khách hàng chia sẻ không thể đặt được số vé khuyến mại này, vì "phòng vé đã nhanh tay hơn gom hết vé giá rẻ".
Theo Quang Thắng - Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)