Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mở bán vé trên một số chặng bay từ 69 ngàn đồng/chiều cho lịch bay mùa thu tới.
Sốt vé máy bay du lịch hè, nhiều chặng tăng giá gấp đôiCảnh báo lừa đảo bán vé máy bay đưa công dân về nước tránh dịchHơn 10.000 tour, vé máy bay giá rẻ kích cầu du lịch nội địa
Bamboo Airways cũng mở bán vé hàng loạt chặng bay mới bắt đầu từ giá 50 ngàn đồng/vé. Tất cả các hãng hàng không quốc nội đều tìm mọi cách gom tiền lẻ của khách hàng để có thêm dòng tiền hoạt động trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh.
Tình trạng đông đúc, quá tải tại các sân bay trong tháng nghỉ hè cao điểm (từ 17/5 đến hết tháng 8) không giải tỏa được tình trạng khốn khó của các hãng hàng không trong nước. Lý do: việc dừng bay từ tháng 3 đến nay đã khiến các hãng đều âm dòng tiền. Các tuyến bay quốc tế, vốn chiếm hơn 60% doanh thu của hai hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air (không tính Bamboo Airways) đều chưa được mở cửa trở lại. Các tuyến bay quốc nội đông đúc chỉ mang lại doanh thu cao trong tháng 8. Dòng tiền này không thấm vào đâu so với chi phí cố định lên đến hàng ngàn tỷ đồng/tháng mà mỗi hãng phải chi trả để duy trì hoạt động (bao gồm các chi phí thuê tàu, nhân công, nhiên liệu...).
Đơn cử trường hợp Vietnam Airlines, với 40% đội bay, nhiều máy bay thân rộng phải “nằm sân” mà chi phí cố định mỗi tháng phải chi trả khoảng 2.100 tỉ đồng/tháng (trong đó có 1300 tỉ là chi trả để thuê tàu), hãng phải tìm mọi cách để bay theo quan điểm : “Dù tiền ít còn hơn không có tiền”.
Từ tháng 5 đến nay, Vietnam Airlines đã mở 22 đường bay ngách mới từ các địa phương đến các điểm du lịch, kể cả điểm du lịch “tiềm ẩn” như Buôn Ma Thuột - Hải Phòng, Vinh - Cần Thơ. Đây là những thị trường ngách mà trong hoàn cảnh thị trường bình thường, hãng không bay vì vắng khách. Chi phí để duy trì chặng bay cao hơn chi phí thu được nên bay là lỗ. Nhưng tại thời điểm này, do tàu nằm sân lớn, chi phí cố định vẫn phải chi trả, hãng thu thêm được đồng nào tốt đồng đó. Mạng bay nội địa của Vietnam Airlines hiện 61 đường, cao điểm tới 500 chuyến/ngày cũng khiến cho dòng tiền của hãng được cải thiện phần nào.
Bamboo Airways cũng mở thêm 1 số đường bay mới từ Đà Nẵng - Đà Lạt, Đà Nẵng - Cần Thơ, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Quy Nhơn... để gom thêm hành khách đi máy bay từ các tỉnh về các điểm du lịch.
Vietjet Air mở thêm 8 đường bay mới từ Hà Nội, Đà Nẵng đến Đồng Hới, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột...để đạt con số 53 đường bay toàn mạng bay nội địa.
Với việc các hãng thi nhau mở các đường bay chặng ngắn, chặng ngách để có thêm tiền hoạt động, đồng thời giảm áp lực hạ tầng đang quá tải tại hai sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang sửa chữa, giá vé ngày càng cạnh tranh ở mức ngang giá... bát phở.
Hôm 20-7, Vietnam Airlines công bố mức giá nội địa áp dụng từ 7-9-2020 đến 31-3-2021 có thể mua từ 69 ngàn đồng/chiều (tính ra khoảng 529 ngàn đồng/chiều đã bao gồm thuế phí) cho các chặng Đà Lạt, Hà Nội, Quảng Ninh... áp dụng trên cả các chuyến bay liên danh VNA - Pacific Airlines. Giá vé thấp nhưng hành khách có thể bay trên các tàu thân rộng của hãng, vốn chỉ để dành cho các chặng bay quốc tế lớn hoặc các chặng quốc nội trọng điểm như Hà Nội - TPHCM.
Bamboo Airways chào giá 49 ngàn đồng/ chiều (chưa bao gồm thuế phí) cho các chặng từ Đà Nẵng - Đà Lạt, Đà Nẵng - Cần Thơ...với tần suất mỗi ngày/chuyến.
Tất nhiên, không có quá nhiều giá vé loại trên được tung ra cho mỗi chuyến bay. Và nếu khách hàng bay sát ngày mua vé hay bay vào những dịp cao điểm như cuối tuần thì không mua được mức giá trên. Song, con số khởi điểm về giá vé nhằm thu hút khách cho thấy, cũng có một cuộc đua xuống đáy về giá vé do cung cao hơn cầu.
Dự kiến năm nay, Vietnam Airlines sẽ lỗ khoảng 13 ngàn tỉ đồng , Vietjet Air cũng sẽ lỗ ở mức tương tự. Riêng Bamboo Airways mới đi vào vận hành, quy mô nhỏ hơn sẽ lỗ ít hơn nhưng chi phí đầu tư giai đoạn đầu cao hơn nên cũng khó khăn không kém.
Vietnam Airlines kiếm được hơn nửa triệu đô la từ chuyến bay tới Nam Kinh
Chuyến bay thương mại duy nhất của Vietnam Airlines từ London (Anh), quá cảnh qua Hà Nội, tới Nam Kinh (Trung Quốc) hôm 18-7 chở 270 hành khách Trung Quốc đã mang về cho hãng này hơn nửa triệu đô la Mỹ. Chuyến bay này được phía Trung Quốc cấp phép vì Việt Nam chưa cấp phép cho các chuyến bay thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, trừ các chuyến bay nhân đạo.
Hãng này cho biết từ nay đến hết tháng 8, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác các chuyến bay chở khách từ London đến Nam Kinh, quá cảnh tại Hà Nội. Ngoài ra còn thực hiện các chuyến bay chở hàng để cải thiện doanh thu.
Theo Lan Nhi (TBKTSG Online)