Đến 10h50 sáng, giá vàng DOJI tại các cửa hàng ở Hà Nội giảm xuống còn 46,5-47,3 triệu đồng/lượng, giảm 1,9 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh đạt được hôm qua. Giá vàng SJC tại DOJI lao dốc xuống còn 46,6-47,6 triệu đồng/lượng, giảm 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tập đoàn Phú Quý cũng tiếp tục điều chỉnh giá vàng SJC xuống còn 46,5 triệu đồng/lượng mua vào - 47,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Đánh giá về biến động "sốc" của thị trường vàng trong vài ngày qua, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng, sau đà tăng giá từ năm 2019 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ vì thông tin tiêu cực liên quan đến dịch Covid-19.
Vị này đánh giá, ở thời điểm này, với tâm lý lo ngại khi thị trường bất ổn, chứng khoán sụt giảm, nhiều người tìm kiếm kênh đầu tư an toàn hơn là vàng, khiến giá vàng thế giới và trong nước bị đẩy lên cao, trong khi thực tế, nhu cầu giao dịch không nhiều.
Theo vị chuyên gia này, nếu trong tháng 3, dịch Covid-19 giảm các diễn biến phức tạp, được khống chế tốt hơn, thì thị trường vàng sẽ ổn định, bằng không, giá vàng thế giới có thể lên tới 1.700 USD/ounce và giá trong nước lên trên mức 50 triệu đồng/lượng.
Mặc dù là kênh đầu tư tốt, song vị chuyên gia cho rằng, người dân không nên sử dụng tiền chi tiêu hàng ngày hoặc vay mượn tiền để đầu tư vào vàng. Thay vào đó, có thể sử dụng tiền nhàn rỗi phân bổ vào các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất kinh doanh.
"Nếu đầu tư vàng thì cần tìm hiểu rõ thời điểm nào là phù hợp để chốt lời hoặc cắt lỗ, mua vàng tích lũy trong thời gian dài, ít nhất từ 3-6 tháng, thay vì mua/ bán kiểu lướt sóng", ông Hiếu bày tỏ.
Theo Hương Nguyễn (Báo Dân Sinh)