Mở cửa ngày 9/3, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI mua bán vàng miếng SJC ở 47,5 - 48,1 triệu đồng, tăng hơn 800.000 mỗi lượng so với phiên cuối tuần. Chênh lệch mua bán 600.000 đồng một lượng.
Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng khoảng 400.000 đồng, đưa giá bán ra chạm 48,1 triệu đồng, còn mua vào 46,9 triệu đồng. Biên độ mua bán lại được doanh nghiệp này kéo dãn lên 1,2 triệu đồng, động thái thường thấy mỗi khi giá biến động mạnh.
Tính đến 9h, giá vàng miếng được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 48,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 47,45 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Chênh lệch giá mua bán 800.000 đồng mỗi lượng.
48,25 triệu đồng/lượng là vùng giá cao thứ hai của vàng trong nước từ đầu năm đến nay, chỉ sau kỷ lục hơn 49 triệu đồng/lượng được thiết lập hồi cuối tháng 2.
Ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, SJC niêm yết giá mua vào tương tự TP.HCM và giá bán ra nhỉnh hơn, ở mức 48,27 triệu đồng/lượng.
So với phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng đã tăng 1,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 850.000 đồng/lượng chiều mua vào.
Giá vàng SJC tăng vọt do sự đi lên mạnh của thị trường thế giới. Mở cửa phiên châu Á sáng 9/3, giá vàng đã vọt lên trên 1.700 USD mỗi ounce - cao nhất kể từ cuối năm 2012, do nhà đầu tư lo ngại giá dầu, Covid-19 và suy thoái.
Đến 9h50, giờ Hà Nội, giá giảm nhẹ so với mở cửa, về quanh mức 1.697 USD một ounce nhưng vẫn cao hơn 20 USD so với cuối tuần trước. Năm nay, giá kim loại quý liên tục lập đỉnh, sau khi đã tăng 18% năm ngoái. Goldman Sachs còn dự báo vàng có thể lên 1.800 USD.
HP (Nguoiduatin.vn)