“Lướt sóng” khi giá vàng tăng
Ngày 22/10, đầu buổi sáng, ghi nhận lúc 7h15, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 70,3 - 71,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi so với chiều hôm qua (21/10). Trong khi đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 70,25 - 71,05 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Tính chung trong tuần từ 16/10 đến 22/10, giá vàng trong nước đã tăng 400.000 - 950.000 đồng/lượng và xác lập tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Lúc kinh tế khó khăn, nhiều người cho rằng, vàng sẽ là nơi trú ẩn an toàn nên có hiện tượng đầu tư “lướt sóng” theo giá vàng.
Bà Hàn Thị Bình, chủ doanh nghiệp tư nhân vàng Kim Phát Mạnh I, Tp.HCM cho hay, thời gian gần đây, thị trường xuất hiện nhiều người “lướt sóng” vàng nghiệp dư. Họ thường theo dõi thị trường quốc tế, nếu giá vàng thế giới đi lên, họ mạnh tay mua vàng miếng SJC với kỳ vọng loại vàng này sẽ tăng giá mạnh hơn.
"Khi vàng SJC đạt mức giá mục tiêu, những người lướt sóng sẽ nhanh tay bán ra chốt lời. Giá vàng SJC sẽ giảm trong chớp mắt. Vì thế, tại thời điểm này, người không am hiểu thị trường mua vàng SJC có thể gặp bất lợi”, bà Bình cho biết.
Giữa tháng 10/2023, bà Hồ Thị Phúc, ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp.HCM rút tiền gửi tiết kiệm mua gần 6 lượng vàng, cho biết: "Tôi có một ít tiền, trước đây gửi ngân hàng nhưng giờ thấy vàng lên cao nên rút tiền mua. Tôi cũng không có mua bán gì vàng mà để làm của khi nào cần tiền thì bán ra có giá trị hơn".
Còn anh Nguyễn Văn Đạt, ngụ quận Tân Bình, Tp.HCM đang cần tiền nên bán 5 lượng vàng SJC. Tuy nhiên, anh Đạt cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi để đầu tư vàng trong thời gian tới vì theo anh giá vàng sẽ còn tăng.
"Tôi mua vàng trước đây khoảng 2 tháng, giờ bán chốt lời. Theo tôi thì giá vàng vẫn tiếp tục tục tăng, hiện nay vẫn giữ một số vàng và quan sát tiếp, tùy tình hình thời gian tới thì mình có thể mua vàng vào hay bán vàng ra", anh Đạt chia sẻ.
Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hiện nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao. Sự chênh lệch này do thị trường vàng Việt Nam và thế giới không có liên thông với nhau. Cùng với đó, việc nhiều năm không nhập khẩu vàng khiến nhu cầu vàng nên thiếu nguồn cung vàng miếng SJC.
“Doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua. Không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao, khiến người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng. Vì vậy, hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp để đầu tư vàng. Chỉ khi nào khoảng cách chênh lệch hạ xuống mức hợp lý, người dân mới nên đầu tư vàng”, ông Hiếu chỉ ra.
Ổn định thị trường vàng
Đến cuối tháng 10/2023, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang lấy ý kiến doanh nghiệp kinh doanh vàng và chuyên gia kinh tế để tổng kết, đánh giá quy định quản lý vàng. Ngân hàng Nhà nước đã nhìn nhận về câu chuyện quản lý vàng để tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.
Trong báo cáo gửi Quốc hội đầu tháng 5/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, sau hơn 10 năm kể từ khi Nghị định 24 được ban hành với các quy định về thị trường vàng thì đến nay tình hình đã thay đổi, do đó cần điều chỉnh, nhằm khơi thông thị trường vàng và thu hẹp khoảng cách về giá trong nước và quốc tế.
"Hiện thị trường vàng trong nước đã ổn định, nên nếu mở cửa thị trường vàng sẽ đạt mục đích cân bằng cung cầu trên thị trường, chứ không thể nói là ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ cũng như tỷ giá tiền đồng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiểm soát tỷ giá ổn định, kể cả khi có áp lực, tỷ giá vẫn ổn định", ông Khánh nêu quan điểm.
Nếu được nhập khẩu vàng, ông Khánh cho rằng, trước hết cần chính sách cho nhập vàng nguyên liệu để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước thay vì thu gom hàng trôi nổi. Bởi, nếu không cho mở cửa thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm, giá cao hơn quốc tế.
Một chuyên gia từng làm việc cho một đơn vị làm đầu mối nhập khẩu vàng vào năm 2010 cũng nhận xét: “Tập quán giữ vàng của người dân luôn tồn tại. Không thể chỉ hạn chế điểm bán vàng miếng thì người dân sẽ không giữ vàng, nhất là trong tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn, giá vàng quốc tế vẫn tiếp tục tăng”.
Truyền thống cất trữ vàng vẫn tồn tại và tiếp tục được củng cố trong bối cảnh biến động kinh tế, lạm phát… vàng vẫn luôn có giá trị cao. Và, tình trạng nhập lậu vàng không kiểm soát nổi, ồ ạt thu gom USD để nhập vàng làm tỷ giá tăng ảnh hưởng các mặt hàng nhập khẩu khác, VNĐ mất giá... là những hệ quả tất yếu khi thị trường vàng trong nước không được liên thông với thế giới.
Theo Nguyễn Thành Nhân (Nguoiduatin.vn)