Giá vàng thế giới vừa có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3, đạt mức cao nhất trong 7 tuần, nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm. Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ-Nga cũng giúp vàng phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn.
Ngoài ra, theo trang MarketWatch, loạt dữ liệu khả quan về kinh tế Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phục hồi mạnh, đặt ra khả năng lạm phát tăng nhanh. Trong một bối cảnh như vậy, vàng - loại tài sản giúp chống lại sự mất giá của tiền giấy - thường được ưa chuộng.
Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (16/4) chỉ tăng 250.000 đồng/lượng, rút ngắn chênh lệch với giá vàng thế giới. Giá USD tự do sụt dưới 23.700 đồng.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 27,2 USD/oz, tương đương gần 1,6%, đạt 1.764,6 USD/oz. Giá vàng giao tháng 6 trên sàn COMEX tăng 30,5 USD/oz, tương đương tăng 1,8%, đạt 1.766,8 USD/oz.
Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của vàng kể từ hôm 9/3, và là mức giá đóng cửa cao nhất của kim loại quý này kể từ hôm 25/2.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và với Nga "có thể đang khuyến khích lực mua vàng để tìm kiếm sự an toàn", nhà quản lý Michael Armbruster thuộc Altavest phát biểu.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan đang gia tăng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 15/4 áp một loạt biện pháp trừng phạt lên Nga, nhằm đáp trả điều mà Washington cho là Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, tấn công mạng, dọa nạt Ukraine, và những hành vi "chơi xấu" khác.
"Mỹ đang cứng rắn với Trung Quốc và Nga. Phiên tăng giá này của vàng có thể là dấu hiện đầu tiên cho thấy thị trường bắt đầu phản ánh rủi ro mới", ông Armbruster nói với MarketWatch.
Thống kê công bố ngày 15/3 cho thấy doanh thu bán lẻ ở Mỹ tăng vọt 9,8% khi người dân nước này nhận tấm séc kích cầu tiếp theo trị giá 1.400 USD từ Chính phủ. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước cũng giảm mạnh hơn dự báo, còn 576.000, mức thấp nhất trong 1 năm.
"Số liệu bán lẻ của Mỹ đã làm tăng mức độ lạc quan của các nhà giao dịch", nhà phân tích Naeem Aslam thuộc AvaTrade phát biểu. "Về giá vàng, chúng tôi nhận thấy xung lực tăng đang cải thiện bởi chỉ số Dollar Index giảm sâu hơn. Đó là nhờ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã luôn nhấn mạnh với thị trường rằng lãi suất sẽ không tăng sớm".
Phiên ngày 15/4, Dollar Index - thước đo sức mạnh đồng bạc xanh - có lúc 91,5 điểm, sau đó hồi về ngưỡng 91,7 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trượt về 1,54%, đánh dấu lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 1,6% lần đầu tiên kể từ ngày 5/3.
Lợi suất giảm làm gia tăng sức hút của vàng - kênh đầu tư không có lãi suất - vì làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Trong quý 1 năm nay, lợi suất leo thang đã khiến giá vàng thế giới "bốc hơi" 10%.
Giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội đầu giờ sáng nay theo niêm yết của DOJI là 55,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,45 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 250.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,1 triệu đồng/lượng và 55,48 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 6,3 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 6,7 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Sự rút ngắn khoảng cách này cho thấy giá vàng trong nước sáng nay không phản ánh hết mức tăng của giá vàng thế giới.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 9h sáng nay đứng ở 1.761,7 USD/oz, giảm 2,9 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 49,15 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.630 đồng (mua vào) và 23.680 đồng (bán ra), giảm tương ứng 40 đồng và 50 đồng so với sáng qua.
Tại Vietcombank, báo giá USD đi ngang ở mức 22.980 đồng và 23.160 đồng, tương ứng giá mua và bán.
Theo Diệp Vũ (VnEconomy.vn)