Gần như tất cả các cổ phiếu trụ cột đồng loạt bị bán tháo trong phiên giao dịch đầu tuần 15/4.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 59,99 điểm (tương đương giảm 4,7%) xuống 1.216,61 điểm. HNX-Index giảm hơn 4,8% xuống 229,71 điểm.
Tổng cộng, có 29 trong tổng số 30 mã cổ phiếu trụ cột đều giảm giá mạnh, trong đó nhiều mã giảm sàn như: Tập đoàn Masan (MSN), Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BCM), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Ngân hàng BIDV (BID), Chứng khoán SSI (SSI), Vincom Retail (VRE).
Các cổ phiếu trụ cột khác cũng giảm mạnh. Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh giảm 3.000 đồng, xuống 44.400 đồng/cp; Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng giảm 1.450 đồng, xuống 28.500 đồng/cp; Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 1.450 đồng, xuống 47.000 đồng/cp; Vinhomes (VHM) giảm 2.100 đồng, xuống 42.400 đồng/cp...
Trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có 475 cổ phiếu giảm giá (trong đó 109 mã giảm sàn), 30 mã đứng giá và chỉ có 40 mã tăng giá.
Chứng khoán đồng loạt giảm giữa lúc giá vàng trong nước tăng rất mạnh, buổi sáng có lúc tăng hơn 2 triệu đồng và lập kỷ lục mới 85,5 triệu đồng/lượng. Tới chiều, vàng hạ nhiệt còn khoảng 84 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá USD/VND tăng vọt thêm 90 đồng so với cuối tuần trước, lên 25.270 đồng/USD (giá bán) tại Ngân hàng Vietcombank. Đây là kỷ lục cao mới của tỷ giá này trên hệ thống ngân hàng.
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, đánh giá đây là một trong những phiên giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nỗi lo ngại chiến tranh, tỷ giá tăng cao và giá vàng tăng mạnh...
Trên thực tế, thị trường tài chính thế giới biến động rất mạnh trong phiên cuối tuần và đầu tuần mới sau khi có thông tin Iran tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào Israel vào hôm 14/4.
Giới đầu tư lo ngại Trung Đông sẽ rơi vào một cuộc chiến khốc liệt sau khi quan chức Israel cho biết, Tel Aviv sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran.
Lãnh đạo G7 và EU cùng triệu tập phiên họp bất thường để bàn về việc Iran đánh vào lãnh thổ Israel. Nội các Israel cũng đã họp. Tuy nhiên, chưa có thông tin về quyết định cuối cùng.
Giá vàng thế giới lập tức tăng nhanh trở lại, đồng USD cũng đứng ở mức rất cao.
Hiện tại, nhiều người kỳ vọng cuộc chiến sẽ không mở rộng ở Trung Đông. Washington vừa đưa ra tín hiệu không ủng hộ Israel trả đũa.
Giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán nhận định, thị trường điều chỉnh giảm mạnh vì nhiều lý do trong và ngoài nước; tuy nhiên, triển vọng về trung và dài hạn vẫn tích cực.
Một số dự báo cho rằng, xung đột tại Trung Đông có thể sẽ không quá nóng; nhưng không ít dự đoán lo ngại căng thẳng tại khu vực Trung Đông có thể lên cao nữa.
Cùng với tình hình căng thẳng tại Ukraine và một số khu vực khác, nền kinh tế giới đối mặt với nhiều rủi ro. Trong vài năm qua, kinh tế thế giới đã gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả hàng hóa, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng tới tiêu dùng và hoạt động sản xuất.
Hiện tượng bán tháo diễn ra ở nhiều thị trường chứng khoán và tiền số. Đồng Bitcoin giảm mạnh từ cuối tuần trước và chưa có tín hiệu đi lên.
Vàng và USD đang được xem là điểm đến của dòng tiền. Mặc dù đồng USD chịu nhiều áp lực do thiếu sức cầu dự trữ từ một số nước lớn như Nga, Trung Quốc... nhưng dường như vẫn có sức hút đối với giới đầu tư trên thế giới, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ: 5,25-5,5%/năm. Fed gần đây có tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất, có thể đến tháng 9.
Việc USD tăng giá tiếp tục gây thêm áp lực lên đồng tiền của nhiều nước trên thế giới, trong đó có VND. Tỷ giá USD/VND liên tục tăng kể từ đầu năm tới nay và cao hơn gần 3,5% so với cuối năm 2023.
USD và vàng tăng giá gây thêm áp lực lạm phát ở nhiều quốc gia. Rủi ro đến với nhiều nền kinh tế vì vậy cũng gia tăng.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/gia-vang-tang-vot-ty-gia-lap-dinh-chung-khoan-lao-doc-mat-60-diem-2270731.html