Vàng nhẫn, vàng miếng SJC tăng không ngừng nghỉ
Trao đổi với VietNamNet, ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, cho biết giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tăng mạnh trong những ngày qua là điều bình thường.
Vàng đang có lợi thế rất lớn. Giá vàng trong nước hưởng lợi từ vàng thế giới tăng mạnh khi xung đột chiến tranh giữa Israel - Hezbollah chưa có chiều hướng dừng lại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn vẫn đang đầu chu kỳ nới lỏng.
Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tăng còn do tỷ giá USD/VND nóng lên trong thời gian gần đây. Thống kê cho thấy, từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank tăng 4,23%. Hơn 1 tháng qua, tỷ giá tăng 2,7% lên mức 25.442 đồng/USD (giá bán).
Theo ông Lưu Chí Kháng, tỷ giá ngân hàng tăng kéo theo giá vàng quy đổi tăng lên, hơn thế vàng thế giới lại tăng rất mạnh. Do vậy, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tăng nhanh theo là điều không tránh khỏi.
Gần đây, vàng thế giới liên tục lập đỉnh cao mới, phá đỉnh 2.685 USD/ounce, lại vượt ngưỡng 2.700 USD vào cuối tuần trước và bứt phá lên đỉnh cao lịch sử mới 2.740 USD/ounce trong phiên giao dịch 21/10.
Trong vòng chưa tới 2 tuần, từ khoảng 2.600 USD/ounce, giá vàng tăng lên 2714 USD. Mức tăng là 5,4% và giá quy đổi đã lên mức 84,9 triệu đồng/lượng. Cộng với tỷ giá, biến động có thể lên tới 8%.
Việc vàng miếng tăng lên 89 triệu đồng và vàng nhẫn tăng từ dưới 83 triệu đồng (giá bán) lên gần 88 triệu đồng (tăng 6%) được giới quan sát thị trường cho là không có gì đột biến.
Dù vậy, mức tăng tổng cộng từ đầu năm tới nay là rất lớn. Giá vàng thế giới tăng gần 32,8%, vàng miếng SJC tăng 20,3%, trong khi giá vàng nhẫn đã tăng 39,4%.
Rủi ro sụp đổ luôn hiện hữu
Chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng rủi ro thị trường sụp đổ luôn luôn hiện hữu. Các nhà đầu tư nên thận trọng xuống tiền mua vàng vào thời điểm này. Theo ông Hiếu, việc xuống tiền mua vàng hiện rủi ro bởi giá vàng tăng nóng và có thể sập bất ngờ.
Tương tự, ông Lê Quang Trí, Giám đốc môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt, cũng cảnh báo về rủi ro giá vàng điều chỉnh giảm sau một đợt tăng nóng kéo dài vài chục phần trăm vừa qua.
Trên thế giới, không ít dự báo cho rằng, vàng có thể điều chỉnh mạnh sau đợt tăng nóng vừa qua, thậm chí có thể về ngưỡng 2.500 USD/ounce. Nếu tính theo mức này, mức điều chỉnh có thể 8-10%.
Thực tế, mức điều chỉnh 10% không phải là hiếm trong một thị trường giá lên, đối với các loại hàng hóa như chứng khoán… Dù vậy, đó là mức dự báo xấu. Đợt tăng vừa rồi rất nóng, thị trường đang rất căng và áp lực chốt lời có thể gia tăng bất cứ lúc nào. Một đợt điều chỉnh giảm 50 hoặc 100 USD là hoàn toàn có thể xảy ra.
Về dài hạn, đa số các chuyên gia dự báo, vàng vẫn trong xu hướng đi lên. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng có thể tăng rất mạnh nếu ông Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ. Theo đó, nhiều bất ổn địa chính trị sẽ xảy ra.
Theo chuyên gia Lê Quang Trí, xung đột địa chính trị vẫn xảy ra khó lường trên thế giới. Các yếu tố này sẽ hỗ trợ mạnh mặt hàng kim loại quý.
Đồng quan điểm, ông Lưu Chí Kháng tin vào khả năng vàng còn đi lên khi xung đột tại Trung Đông chưa có chiều hướng dừng lại và các nước mới bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Các phân tích kỹ thuật cho thấy xu hướng đi lên của mặt hàng này.
Gần đây, một số dự báo cho rằng, giá vàng thế giới có thể lên 2.800 USD/ounce vào cuối năm nay và 3.000 USD/ounce trong năm 2025, tương đương mức tăng khoảng 9%.
Giá vàng trên thị trường quốc tế chiều 22/10 lại tăng mạnh. Tính tới 15h20, giá giao ngay tăng thêm 14,5 USD so với phiên liền trước lên 2.734 USD/ounce. Trong phiên 21/10 trên thị trường Mỹ, vàng có lúc lên trên 2.740 USD/ounce.
Trong nước, trong phiên 22/10, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC và 4 NHTM đồng loạt điều chỉnh tăng thêm 1 triệu đồng/lượng lên 87 triệu đồng mua vào và 89 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, trong 2 ngày, vàng miếng SJC đã tăng thêm 3 triệu đồng.
Vàng nhẫn tới chiều 22/10 lần đầu tiên lên sát ngưỡng 88 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn Doji đã lên mức 86,8 triệu đồng/lượng mua vào và 87,8 triệu đồng/lượng bán ra.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)