Theo Người lao động đưa tin, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 16-10, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 69,85 triệu đồng/lượng, bán ra 70,55 triệu đồng/lượng, giảm 450.000 đồng/lượng so với hôm qua. Nếu so với mức đỉnh lịch sử ở vùng 71,6 triệu đồng/lượng, giá vàng hôm nay đã "bốc hơi" hơn 1 triệu đồng/lượng.
Do biến động mạnh, giá vàng SJC có sự cách biệt giữa các doanh nghiệp, như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra vàng SJC 70,7 triệu đồng/lượng, trong khi Tập đoàn DOJI giao dịch vàng SJC 70,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại chỉ giảm nhẹ100.000 đồng về 57 triệu đồng/lượng mua vào, 58 triệu đồng/lượng bán ra.
Nhận định về biến động của giá vàng, Báo Tiền Phong thông tin sau khi tăng giá phi mã, giá vàng trong nước đạt mức cao nhất trong 3 năm qua. Đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư chốt lời. Nếu nắm giữ vàng từ đầu năm 2023 tới nay và bán ra ở thời điểm này, người giữ vàng miếng SJC lãi 3,5 triệu đồng/lượng, nhẫn tròn trơn lãi 4,3 triệu đồng/lượng.
Cùng với đà tăng của vàng, lần đầu tiên trong 2 năm qua, chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra được rút ngắn về mức 400.000 đồng/lượng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp vàng dường như đang khan hiếm nguyên liệu đầu vào. Việc tăng giá mua vào, rút ngắn chênh lệch mua vào - bán ra là để hút lượng vàng do người dân nắm giữ.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng thận trọng đổ vốn vào vàng tại thời điểm hiện nay do thị trường không có nhiều biến động nên “cơn sốt” giá vàng có thể không kéo dài.
Đầu giờ sáng 16/10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.922 USD/ounce, giảm 10 USD/ounce so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới khoảng 57 triệu đồng/lượng chưa tính thuế, phí.
Trên thị trường tiền tệ, ngày 16/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.077 đồng/USD. Tỷ giá tại ngân hàng thương mại khoảng 24.305 - 24.605 đồng/USD.
PN (SHTT)