Lúc 9 giờ 30 ngày 30-12, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 71 triệu đồng/lượng, bán ra 74 triệu đồng/lượng, giảm 2 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Tập đoàn DOJI giao dịch vàng SJC mua vào 70 triệu đồng/lượng, bán ra 76 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giá mua - bán giãn rộng lên mức kỷ lục 6 triệu đồng/lượng.
Với mức giá chênh lệch này, thị trường vàng gần như "bất động". Các doanh nghiệp giải thích nới rộng biên độ để hạn chế giao dịch và phòng ngừa rủi ro, vì nếu giờ nhu cầu mua vàng tăng mạnh các doanh nghiệp cũng không đủ nguồn cung vàng để bán.
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 61,95 triệu đồng/lượng mua vào, 63,05 triệu đồng/lượng bán ra, giảm thêm 200.000 đồng/lượng so với hôm qua. Giá vàng nhẫn biến động với biên độ hẹp hơn so với vàng SJC.
Trước việc giá vàng miếng SJC biến động mạnh, tăng cao bất thường, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng.
"Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp", ông Tuấn nói.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đóng cửa ở vùng 2.063 USD/ounce, tương đương khoảng 60,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn trên 2,2 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC trên 13 triệu đồng/lượng.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)