Mở cửa sáng nay (22/3), giá vàng trong nước giảm khoảng 100 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước. Chênh lệch so với giá vàng thế giới vẫn ở mức rất cao.
Cụ thể, lúc 8h30, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,15-55,55 triệu đồng/lượng, giữ nguyên chiều mua và giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều bán so với phiên trước. Như vậy, chênh lệch giá mua vào – bán ra đã được thu hẹp lại còn 400 nghìn đồng/lượng.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) không thay đổi giá bán và giảm 50 nghìn đồng/lượng chiều bán, hiện niêm yết 55,15-55,6 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng rớt mạnh, mất khoảng 12 USD/ounce xuống còn 1.732,5 USD/ounce. Giá vàng thế giới hiện tương đương với 48,4 triệu đồng/lượng, rẻ hơn 7,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Trong tuần trước, giá vàng thế giới bật tăng khá mạnh trong khi xu hướng chung của giá vàng trong nước là giảm.
Vàng thế giới tăng bất chấp lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm có thời điểm tăng lên 1,74%, cao nhất 1 năm. Nguyên nhân là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã sửa đổi dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát 2021 cao hơn, đồng thời tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp đến năm 2023.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng lãi suất trái phiếu và đồng USD mạnh lên vẫn còn gây áp lực cho vàng trong thời gian tới.
13 nhà phân tích phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát của Kitco News. Trong đó 6 nhà phân tích, tương đương 46%, kêu gọi giá vàng tăng vào tuần này. Trong khi đó, 4 người, tương đương 31%, cho biết họ dự báo giảm. 3 nhà phân tích còn lại, tương đương 23%, dự báo giá đi ngang.
1698 nhà đầu tư cũng đã tham gia cuộc khảo sát trực tuyến. Trong số đó, 1.101 người, tương đương 65%, dự báo giá vàng tăng. 355 người tham gia khác, tương đương 21% dự báo giảm, trong khi 242 người còn lại, tương đương 14% trung lập với kim loại quý này.
Theo Thu Thủy (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)