“Nóng” từ vòng… gửi xe
Sáng ngày 17/4, khi chưa mở cửa, nhiều người đã xếp hàng phía trước trụ sở Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (quận 3, TPHCM) chờ mua vàng. Đến tầm 10 giờ trưa, bảo vệ phải từ chối bớt khách hoặc khuyên nên quay lại vào đầu giờ chiều vì bên trong, lượng khách chờ mua vàng đã rất đông. Thậm chí có người chờ hơn cả giờ đồng hồ vẫn chưa được gọi tên để mua vàng.
Bà T (70 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) đi cùng con gái cầm theo 300 triệu đồng với ý định mua 2 lượng vàng miếng, còn lại mua vàng nhẫn. Sau khi được nhân viên tư vấn, bà mới biết trong hôm nay, mỗi khách hàng chỉ được mua 5 phân vàng nhẫn, còn vàng miếng chỉ được mua 2 chỉ nhưng rất… hên xui. “Mua vàng rất cực, phải xếp hàng dài chờ gửi xe; sau đó tiếp tục xếp hàng chờ gọi tên. Có khi đến lượt mình thì hết vàng, phải ra về tay trắng” - bà T than thở.
Trong sáng 17/4, giá vàng SJC tăng thêm 3 triệu đồng/lượng chiều mua và 2,5 triệu đồng/lượng chiều bán, niêm yết ở mức 115,5 triệu đồng/lượng mua vào và 118 triệu đồng/lượng bán ra. Sau gần hai tiếng đồng hồ xếp hàng, chờ đợi, cuối cùng bà T cùng con gái chỉ mua được 1 chỉ vàng nhẫn SJC. Bà T dự định mai phải dậy sớm hơn nữa để xếp hàng, hy vọng mua được vàng miếng loại 2 chỉ.
Không vào được Công ty SJC để mua vàng, chị Nguyễn Thị Hà (45 tuổi, ngụ quận Bình Tân) chạy vội đến tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh), chấp nhận đội nắng xếp hàng mua vàng. Tuy nhiên, khi sắp đến lượt mua vàng, chị Hà mới hay, vàng từ mức 118 triệu đồng/lượng đã vọt lên 120 triệu đồng/lượng; đến khoảng 13 giờ, giá vàng miếng SJC tại đây tiếp tục điều chỉnh tăng lên 121 triệu đồng/lượng. “Choáng với giá vàng, chỉ một chút chậm chân thôi mà mất thêm 2 - 3 triệu đồng cho mỗi lượng vàng mua vào” - chị Hà tiếc hùi hụi.
Trong khi đó, các tiệm vàng thuộc PNJ hầu như vắng khách vì nơi này đã không còn vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn từ nhiều tháng qua. Tương tự, những khu chuyên kinh doanh vàng như chợ Thiếc (quận 11), chợ An Đông, phố vàng bạc quận 5… cũng thưa thớt khách đến trao đổi, mua bán. “Chúng tôi không có giấy phép kinh doanh vàng miếng, chủ yếu bán vàng trang sức nên khách có nhu cầu tích trữ, đầu tư sẽ không chọn những tiệm vàng ở đây” - ông Hòa, chủ một tiệm vàng bạc, trang sức trên đường An Dương Vương (quận 5), chia sẻ.
“Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”
Theo Hiệp hội Vàng Việt Nam, việc tích trữ vàng đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Đây như một hình thức sở hữu “bảo hiểm tài chính” cho gia đình. Vàng là loại tài sản không chỉ giữ giá trị mà còn tăng giá trị theo thời gian. Tuy có thể giảm nhưng chỉ trong giai đoạn ngắn. Vàng có tính thanh khoản rất cao, vì có thể chia nhỏ ra thành phân vàng, chỉ vàng để thanh toán, trao đổi mua bán, rất phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam.
Ngày 17/4, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc vàng vượt 120 triệu đồng/lượng là chưa từng có tiền lệ nhưng thực tế đã đạt được và có khả năng chưa dừng lại. Theo ông Hiếu, sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đã đẩy giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục mới, kéo giá vàng trong nước tăng mạnh. Thậm chí, kim loại quý này vẫn còn dư địa tăng tiếp khi danh sách các tài sản trú ẩn an toàn ngày càng thu hẹp. “Trong bối cảnh căng thẳng thuế quan chưa giảm nhiệt, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng như một nơi trú ẩn trong căng thẳng thương mại toàn cầu” - ông Hiếu cho biết.
Nên mua hay bán vàng lúc này? Ông Hiếu cho rằng, người dân và nhà đầu tư vàng nên đặt một mục tiêu lợi nhuận nhất định vào khoảng 30% là hợp lý. Trong trường hợp nắm giữ vàng tới mức lợi nhuận khoảng 30% là có thể nghĩ tới việc chốt lời để bảo toàn lợi nhuận. Hoặc nếu muốn mua vàng lúc này cần cân nhắc dư địa tăng giá còn nhiều hay không. Chúng ta đừng chạy theo phong trào và đừng quá lo lắng khi thấy giá vàng lên xuống, điều quan trọng là cần có chiến lược và mục tiêu lợi nhuận. Tôi vẫn luôn nói rằng “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, ngoài vàng, chúng ta có thể đa dạng kênh đầu tư vào chứng khoán và bỏ một phần tiền vào ngân hàng” - ông Hiếu khuyến nghị.
Giá vàng tăng do căng thẳng địa chính trị
Theo Ngân hàng Nhà nước, vàng tiêu thụ trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Do đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá vàng thế giới. Gần đây, giá vàng thế giới liên tục biến động, chủ yếu theo xu hướng tăng, do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh. Theo Luật Giá năm 2012 và Luật Giá sửa đổi năm 2023, vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Giá mua, bán vàng do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng chủ động niêm yết. Các ngân hàng trung ương không quản lý giá vàng mà giá vàng do cung, cầu thị trường quyết định. Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện can thiệp nhằm hướng tới sự ổn định của thị trường vàng, không can thiệp vào giá vàng trong nước.
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)