Tới đầu giờ sáng 31/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.221 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.223 USD/ounce.
Hiện giá vàng thấp hơn 6,3% (81,5 USD/ounce) so với cuối năm 2017. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 33,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng giảm và đang ở vùng đáy 1 năm bất chấp nước Nga của ông Putin vẫn âm thầm mua vàng trong nhiều năm qua.
Thông tin từ RT cho biết, dự trữ vàng của Nga gần đây đã tăng lên mức 2.000 tấn, tăng 10 lần trong vòng 10 năm qua. Tổng trị giá của khối lượng vàng này đạt 460 tỷ USD và Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến nâng con số này lên 500 tỷ USD.
Mặc dù dự trữ vàng của Nga liên tục tăng trong thời gian gần đây nhưng sức cầu chung của vàng trên thế giới có chiều hướng đi xuống. Hai nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ có xu hướng giảm nhập vàng.
Vàng giảm giá còn do đồng USD đứng ở mức cao so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch tiếp tục nâng lãi suất, trong khi đó các nền kinh tế khác vẫn chưa ra khỏi giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần đây giữ nguyên lãi suất đồng euro, trong khi đó Nhật vẫn chưa đưa ra tín hiệu gì về một kế hoạch nâng lãi suất và giảm kích thích một nền kinh tế trì trệ cả thập kỷ nay. Trung Quốc vẫn tiếp tục có dấu hiệu phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT).
Nước Mỹ vừa công bố tăng trưởng kinh tế GDP quý 2 thấp hơn kỳ vọng, đạt 4,1% so với dự báo 4,2% trước đó. Tuy nhiên, đây là mức tăng mạnh nhất trong 4 năm qua. Tiêu dùng cá nhân đã tăng 4% trong quý 2 vượt kỳ vọng dự báo trước đó là 3%. Xuất khẩu tăng 9,3%, nhập khẩu tăng 0,5%.
Trên thị trường thế giới, đồng USD đang tiếp tục xu hướng tăng của thời gian gần đây. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng nhẹ lên mức 94,6 điểm, sau khi tăng 0,2% trong tuần trước.
Hiện tại, giới đầu tư đang theo dõi những tín hiệu từ các cuộc họp của ngân hàng trung ương dự kiến diễn ra trong tuần này, trong đó có cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến diễn ra vào ngày 31/7 và 1/8. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể điều chỉnh tỷ giá đồng USD/yen trong cuộc họp hai ngày 30-31/7.
Nhận định về giá vàng tuần này, cả Wall Street và Main Street gần như đồng tình về xu hướng giá. Theo đó tạiWall Street, số người nhận định giá tăng chiếm 41%, trong khi số người dự đoán thị trường giảm chiếm 35%, còn lại 25% dự đoán thị trường đi ngang.
Tại cuộc khảo sát trực tuyến Main Street, số người dự đoán giá tăng chiếm tỷ lện 42%, dự đoán giá vàng giảm chiếm 41%, còn lại 17%, nhận định thị trường đi ngang.
Phân tích kỹ thuật cho thấy, vàng vẫn có xu hướng giảm giá. Ngưỡng kháng cự gần nhất là: 1.230 USD/ounce và sau đó là: 1.240 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất: 1.220 USD/ounce và sau đó là: 1.210 USD/ounce.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt 30/7 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 trong nước thêm 10 ngàn đồng so với phiên áp cuối tuần trước.
Tính tới cuối phiên giao dịch 30/7, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,76 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,86 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,71 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,91 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo Doji, thị trường vàng tiếp tục trầm lắng, số lượng phát sinh nhỏ lẻ theo chiều khách bán vàng ra. Giá vàng cũng không biến động nhiều, gần như dậm chân tại chỗ trong suốt tuần qua và đầu tuần mới.
Theo V. Minh (VietNamNet)