Giá vàng trong nước
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 30/6 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội giảm tiếp giá vàng 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 30/6, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,87 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,80 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,88 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng thế giới
Đêm 30/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.761 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.761 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 30/6 thấp hơn khoảng 7,1% (134 USD/ounce) so với cuối năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,0 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 7,0 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 30/6.
Giá vàng trên thị trường quốc tế đứng ở mức thấp cho dù đã giảm nhiều do đồng USD tăng vọt sau khi Mỹ công bố thông tin kinh tế tích cực.
Theo tổ chức Automatic Data Processing (ADP), số việc làm trong khu vực tư nhân tại Mỹ tăng 692.000 người, cao hơn mức dự báo 600.000 người. Số liệu trong tháng 5 cũng được điều chỉnh tăng lên với mức tăng là 886.000 việc làm.
Trong tháng 6, hầu hết số việc làm được tạo mới là ở trong lĩnh vực dịch vụ (624.000 vị trí).
Theo đánh giá của ADP, sự hồi phục của thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì ở mức mạnh mẽ. Tính từ đầu năm tới nay đã có tổng cộng 3 triệu việc làm mới được tạo ra. Cho dù vẫn chưa hồi phục như trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, nhưng đây là những tín hiệu rất tốt.
Vàng cũng ảnh hưởng bởi những tín hiệu tiêu cực trong ngắn hạn theo phân tích kỹ thuật cũng như sự suy giảm mức độ lo ngại về rủi ro trên thị trường.
Các thị trường chứng khoán thế giới biến động không rõ xu hướng.
Chỉ số giá tiêu dùng tại khu vực sử dụng đồng euro trong tháng 6 tăng 1,9% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng 2% trong tháng 5.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn khá tích cực với chỉ số quản lý thu mua giảm nhẹ xuống mức 50,9 điểm, so với mức 51 điểm trong tháng 5.
Tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại châu Á khá chậm chạp và một làn sóng lây nhiễm mới đang kìm hãm đà phục hồi kinh tế ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia , Philippines và Ấn Độ.
Trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương Thái Lan vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và dự báo lạm phát chỉ ở mức 1,2% trong năm nay. Nền kinh tế dựa vào du lịch này đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba.
Tại Philippines, lạm phát đã đạt 4,5% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngân hàng trung ương nước này vẫn duy trì lãi suất thấp kỷ lục. Tại Ấn Độ, nơi lạm phát bán lẻ đã tăng lên đến 6,3% trong tháng Năm, nhưng nhiều nguồn tin cho biết có thể ngân hàng trung ương nước này sẽ không phản ứng bằng cách thắt chặt chính sách.
Dự báo giá vàng
Với sức cầu khá thấp và ảnh hưởng tâm lý sau khi giá xuống dưới ngưỡng trung bình 50 ngày, giá vàng được dự báo có thể còn xuống thêm nữa. Về trung hạn nếu sức cầu hàng hóa dịch vụ trên thế giới vẫn yếu, qua đó giữ lạm phát ở mức thấp thì vàng có thể khó đi lên.
Dù vậy, về dài hạn nguy cơ bùng nổ lạm phát là rất lớn. Vàng được dự báo sẽ tăng mạnh.
Đồng USD tăng khi các chuyên gia phân tích cho rằng nhiều nước châu Á sẽ không nâng lãi suất trong năm 2021. Theo đó, nhu cầu yếu đang kìm hãm lạm phát và khiến ngân hàng trung ương nhiều nước không phải chịu áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo V. Minh (VietNamNet)