Giá vàng trong nước hôm nay ngừng giao dịch do đang trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Lúc 8h23' hôm nay (ngày 1/5, giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 3.243,4 USD/ounce, giảm 59,6 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 6/2025 trên sàn Comex New York ở mức 3.255 USD/ounce.
Sáng 1/5, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức hơn 103,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 17,9 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Tới 20h30 ngày 30/4 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường quốc tế ở mức 3.303 USD/ounce. Vàng giao tháng 6/2025 trên sàn Comex New York ở mức 3.311 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 30/4 cao hơn khoảng 60,1% (tương đương 1.240 USD/ounce) so với đầu năm 2024. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 105,3 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 16 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 30/4.
Giá vàng thế giới biến động lên xuống khó lường. Vàng miếng SJC và vàng nhẫn vẫn còn ở mức rất cao.
Trong phiên giao dịch 30/4 trên thị trường châu Á và châu Âu, giá vàng giao ngay giảm mạnh, có lúc về mức 3.270 USD/ounce. Đây là mức thấp nhất trong tuần trước. Tuy nhiên, giá vàng tăng mạnh trở lại trên thị trường New York và lên trên ngưỡng 3.300 USD/ounce.
Giá vàng thế giới giảm trước đó chủ yếu vẫn do áp lực bán chốt lời sau khi mặt hàng này tăng mạnh kể từ đầu năm và nhiều thị trường khác ổn định trở lại. Dòng tiền đổ vào bắt đáy các loại tài sản có độ rủi ro cao hơn.
Tuy nhiên, giá vàng đã tăng trở lại sau khi Mỹ công bố số liệu kinh tế kém tích cực.
Báo cáo việc làm ADP tháng 4 của Mỹ vừa được công bố đã mang tới một sự thất vọng lớn, với lượng việc làm mới được tạo ra là 62.000, thấp hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng 120.000 việc làm.
Ngoài ra, GDP quý I của Mỹ giảm 0,3% so với quý trước đó và so với mức kỳ vọng tăng 0,4%.
Những con số này khiến nhiều người đánh cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất sớm hơn so với dự kiến. Đồng USD theo đó sẽ suy giảm, qua đó đẩy giá vàng đi lên.
Trong nước giá vàng vẫn ở quanh ngưỡng 120 triệu đồng/lượng. Cụ thể, tới cuối phiên giao dịch ngày 29/4 (trước kỳ nghỉ lễ), giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji được niêm yết ở mức 119,3-121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,8 triệu đồng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên liền trước.
Giá vàng nhẫn cũng treo cao. Tới cuối giờ chiều ngày 29/4, SJC công bố giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 114-116,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,5 triệu đồng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên liền trước. Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 114-116,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng ở mức tương tự.
Dự báo giá vàng
Gần đây, giá vàng thế giới biến động tăng giảm khó lường, dường như khó tăng thêm khi mà áp lực chốt lời thường trực. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giảm cũng không mạnh.
Theo các chuyên gia đến từ SP Angel, một số thị trường chứng khoán đã ổn định trở lại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm và chỉ số đo lường mức độ biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ (VIX) cũng đã giảm. Điều này tạo áp lực bán mạnh trên thị trường vàng.
Dù vậy, vẫn còn một câu hỏi chưa có câu trả lời: Liệu nỗi lo lắng tồi tệ nhất về thuế quan thương mại trên thị trường đã qua chưa? Nếu câu trả lời là có thì thị trường chứng khoán toàn cầu đã chạm đáy lớn. Nếu câu trả lời là không thì kịch bản ảm đạm hơn về sự suy yếu kéo dài của thị trường chứng khoán, thậm chí là suy thoái kinh tế toàn cầu có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu ghi nhận các tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đã giảm mạnh vào tháng 4, xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch, với hoạt động sản xuất nói chung yếu nhất trong hơn một năm.
Theo Dow Jones Newswires, "sự sụt giảm mạnh cho thấy mức thuế quan gây sốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bắt đầu bóp nghẹt động cơ của nền kinh tế Trung Quốc, gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thúc đẩy các nỗ lực kích thích để hỗ trợ tăng trưởng".
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)