Trong vòng 1 tuần qua, tức đúng vào dịp Tết nguyên đán, giá vàng thế giới đã giảm mạnh từ mốc cao nhất là 1.842 USD/ounce xuống đáy chỉ còn 1.790 USD/ounce. Tính ra giá vàng đã mất 52 USD, tương đương gần 1,5 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng tích cực, nên giới đầu tư không có nhiều ý định đổ tiền vào vàng.
Mặt khác, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - BlackRock đã bán mạnh vàng với tổng giá trị 470 triệu USD. Điều này khiến cho giá vàng ngày hôm nay rớt xuống mức đáy là 1.790 USD/ounce, tương đương 51 triệu đồng/lượng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty AFA Capital cho biết, năm 2021, giá vàng sẽ không tăng cao như trong năm 2020, nhưng mức tăng kỳ vọng có thể vào khoảng 10%. Dựa trên các phân tích kỹ thuật, chúng tôi sẽ tạm đưa ra 3 mức giá.
Nếu ở mức trung bình, vàng sẽ là 2.000 USD/ounce, mức thấp nhất là 1.775 USD, trong khi mức cao nhất là 2.250 USD. Nhưng cũng lưu ý, trong kinh doanh, các yếu tố luôn thay đổi nên không có sự chắc chắn nào cho các mức giá trên.
Ông Tuấn cho rằng, với chủ trương chống vàng hóa, Nghị định 24 quy định rất rõ các điều kiện kinh doanh vàng miếng, nhập khẩu, và sản xuất nên vàng vật chất trong nước và thế giới luôn có khoảng cách giá.
Đến trưa ngày 17-2 (tức mùng 6 Tết) giá vàng SJC là 56,9 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa giá vàng trong nước đang cao hơn vàng thế giới gần 6 triệu đồng/lượng.
Với mức chênh lệch như vậy, nhà đầu tư hãy xem xét sử dụng vàng là phương tiện và bảo vệ phòng ngừa. Vì nếu coi vàng là phương tiện đầu tư và bán lại thì gặp 2 vấn đề. Đó là chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước. Vấn đề thứ 2 là chênh lệch giá mua bán khi lượng cung bị kiểm soát thì khi giá thế giới đi lên, các nhà đầu tư trong nước nhận ra rất rõ ràng chênh lệch giá mua và bán rất lớn.
"Đối với nhà đầu tư cá nhân không sử dụng vàng là phương tiện đầu cơ mà nên đầu tư phòng ngừa cho các lớp tài sản của mình.
Tôi cũng lưu ý vàng vật chất của Việt Nam có 2 hình thức là vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia và thứ 2 là vàng nhẫn của các công ty được phép sản xuất và kinh doanh vàng. Các công ty sản xuất vàng nhẫn sẽ có thương hiệu riêng nên mức chênh của vàng này đôi khi thấp hơn vàng miếng.
Chính vì vậy, cần quan sát 2 việc, độ chênh giữa vàng miếng và giá thế giới, chênh lệch vàng nhẫn tiêu chuẩn với giá thế giới quy đổi thì khi mức chênh lệch nào tốt hơn thì chúng ta có thể mua", ông Tuấn khuyến nghị.
Theo PHƯƠNG MINH (Pháp Luật TPHCM)