Vào lúc 8h ngày 28/6, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng cả 2 chiều so với cùng thời điểm ngày hôm trước.
Vàng SJC của Tập đoàn Doji niêm yết 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng so với ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu 66,42 - 66,93 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng.
Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 55,67 - 56,52 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.916 USD/ounce (giảm 7 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm qua).
Vàng chịu áp lực giảm sau khi Mỹ công bố các đơn hàng hóa lâu bền trong tháng 5 tăng 1,7% so với mức dự báo giảm 1%. Số liệu này ngay lập tức hỗ trợ cho đồng USD, qua đó gây áp lực lên vàng.
Vàng cũng chịu áp lực khi dòng tiền trở lại với nhiều thị trường chứng khoán, sau khi rủi ro địa chính trị ở Nga suy giảm.
Các chuyên gia dự báo vàng có nguy cơ rơi xuống mức 1.900 USD/ounce trong ngắn hạn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục cam kết thêm các đợt tăng lãi suất trong tương lai nhằm đạt được mục đích ổn định giá cả.
Giá vàng thế giới tương đương gần 54,7 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện trên 12 triệu đồng/ lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng để kéo giá vàng trong nước ngang giá thế giới.
Trên thị trường tiền tệ, sáng 28/6, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 23.760 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)