Giá vàng trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây biến động khá dữ dội cùng với tình hình địa chính trị thế giới. Giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang.
Mỹ và các nước châu Âu đã quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Nga mà còn tác động đến nhiều nước khác, bởi các giao dịch kinh tế bị hạn chế. Điều này đã khiến giá vàng đột ngột tăng cao do nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng nên đã đẩy mạnh mua vàng.
Ông Pierre Lassonde, CEO của Firelight Investments, cựu Chủ tịch Hội đồng Vàng Thế giới, lo ngại rằng xung đột tại khu vực Đông Âu có thể kéo dài và tác động mạnh mẽ đến giá cả của nhiều loại hàng hóa.
Đặc biệt, xung đột tại khu vực Đông Âu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá dầu trong thời gian tới. "Nếu cuộc chiến kéo dài thêm 2 tuần, 3 tuần hoặc có thể là một tháng, tôi nghĩ lúc đó giá dầu có thể đạt mốc 200 USD.", ông Pierre Lassonde cho hay.
Theo ông Pierre Lassonde, ngoài áp lực từ căng thẳng địa chính trị, lạm phát cũng là một yếu tố khiến giá hàng hóa leo thang. "Lạm phát hiện nay tương tự những năm 1970. Từ 1976-1981, lạm phát luôn tăng đều qua các năm. Lạm phát tăng khiến lãi suất và đồng USD cũng liên tục tăng giá. Và giá vàng cũng không nằm ngoài xu hướng tăng. Đây là điều mà chúng ta có thể sẽ thấy trong 4 năm tới ", ông Pierre Lassonde nói.
Nhận định về giá vàng, ông Pierre Lassonde cho hay: "Trong trung hạn, vàng sẽ tiến tới mốc 2.200-2.400 USD/ounce. Về dài hạn, trong 5 năm tới, tỷ lệ Dow trên vàng có thể thu hẹp lại còn 2:1, đồng nghĩa với việc chỉ số Dow Jone giảm còn 20-30%. Điều này có thể khiến giá vàng đạt mức 10.000 USD/ounce", ông Pierre Lassonde chia sẻ.
Ông Pierre Lassonde cho rằng nếu thị trường chứng khoán giảm 30% thì giá vàng sẽ ở mức 10.000 USD/ounce và ông tin rằng điều đó có khả năng cao sẽ xảy ra trong 5 năm tới.
Theo Phương Anh (VietNamNet)